9 tháng đầu năm 2019: Bình Phước giải quyết việc làm cho 28.000 lao động
(LĐXH) - Theo thống kê, tỷ lệ lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Phước chiếm khoảng 58% số dân. Mỗi năm có thêm hàng ngàn người bước vào độ tuổi lao động, tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp trong và nước ngoài đến đầu tư. Cũng vì thế, công tác lao động, việc làm và dạy nghề luôn được tỉnh và ngành lao động - thương binh và xã hội quan tâm thực hiện.
Trong năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 34.000 lao động, đạt 113% kế hoạch. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 52%; tổ chức đào tạo nghề 6.000 lượt lao động, đạt 100% kế hoạch. Các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm đã giới thiệu việc làm cho 12.188 lao động; giải quyết bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 7.257 lao động; hỗ trợ học nghề cho 209 lao động thất nghiệp. Toàn tỉnh đã tổ chức 5 sàn giao dịch giới thiệu việc làm, thu hút 57 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tham gia và thu hút 3.788 lượt lao động đến tìm kiếm cơ hội việc làm. Hiệu quả nhất là Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển mạnh từ đào tạo nghề theo năng lực sẵn có ở cơ sở dạy nghề sang đào tạo theo nhu cầu học nghề, chú trọng lao động khu vực nông thôn và nhu cầu thực tế thị trường lao động. Theo đó, 21 cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thay đổi giáo trình giảng dạy theo hướng hiện đại và phù hợp với yêu cầu đổi mới cũng như nhu cầu học nghề của người lao động.
Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3186/QĐ-UBND về quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động tỉnh Bình Phước. Quy chế này áp dụng đối với ban chỉ đạo; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, an toàn lao động cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành lao động - thương binh và xã hội cùng các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh có thêm cơ sở để tiếp tục tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, góp phần khai thác tốt tiềm năng về nguồn lực lao động trên địa bàn.
Riêng trong 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 28.000/35.000 lao động, đạt 80% kế hoạch năm. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 3,2%, trong khi tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn đạt trên 90%. Các cơ quan, đoàn thể đã tư vấn, giới thiệu nghề, việc làm cho 13.272 lao động. Ngành lao động đã giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng cho 7.557 lao động, hỗ trợ học nghề 138 lao động thất nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có nhu cầu tuyển dụng 12.240 lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm - Bảo trợ xã hội tỉnh tích cực đổi mới phương pháp giải quyết việc làm bằng cách phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Tây Ninh hỗ trợ tuyên truyền tuyển dụng lao động. Nhờ đó, số lao động được giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay tăng cao.
Riêng đối với Trung tâm DVVL tỉnh, trước nhu cầu ngày càng lớn về việc làm của người lao động và tuyển dụng lao động có tay nghề của các doanh nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) đẩy mạnh các hoạt động gắn kết người lao động và doanh nghiệp. Hoạt động giới thiệu việc làm thông qua Trung tâm triển khai thời gian qua đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, giúp các doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế địa phương. Trung tâm đã chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động, từ đó tích cực tìm nguồn để hỗ trợ cho doanh nghiệp tuyển dụng thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Nhờ vậy, doanh nghiệp có nhu cầu lao động và người lao động có cơ hội gắn kết với nhau, nhiều lao động tìm được việc làm ổn định, các doanh nghiệp tìm được người phù hợp với yêu cầu.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, 9 tháng qua, toàn tỉnh đào tạo được 7.205/6.000 lao động, đạt 120% kế hoạch năm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh lập tờ trình xin chủ trương Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét việc sáp nhập 3 trường cao đẳng Y tế, Sư phạm, Nghề Tôn Đức Thắng thành Trường cao đẳng tỉnh Bình Phước. Bộ GD-ĐT đã có chủ trương đồng ý và hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xem xét, thẩm định.
Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo trình Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương giao sở triển khai đề án đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và xuất khẩu lao động.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: