Điện Biên: Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho lao động
Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Tại huyện vùng cao Tủa Chùa, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đã tiến hành tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh và mở 8 lớp nghề cho 257 học viên tham gia (đều là nghề nông nghiệp). Ông Lê Sỹ Tường, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Sau khi học nghề, đa số học viên biết tự vận dụng những kiến thức, kỹ năng được truyền đạt vào thực tiễn, giúp phát triển kinh tế gia đình, tăng năng suất, sản lượng của cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo. Có trên 90% học viên có việc làm, chủ yếu là tự tạo viêc làm, trong đó 50% số học viên tranh thủ làm nghề khác và nghề đã học.
Sau khi được đào tạo nghề, nhiều lao động trong tỉnh đã có việc làm
Còn tại huyện Điện Biên Đông, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Trước đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân ngại đi làm xa. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm rất ít. Ðể tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, những năm qua, huyện luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay các nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế…
Năm 2018, huyện Ðiện Biên Ðông đặt chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho 600 lao động làm việc ngoại tỉnh; 700 lao động thông qua đào tạo nghề tại địa phương và 15 lao động đi làm việc tại nước ngoài. Ðể đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động, đặc thù của từng xã, thị trấn; điều tra cung - cầu lao động của các doanh nghiệp, các ngành kinh tế trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm. Ðồng thời, tuyên truyền sâu rộng chính sách của Nhà nước, của tỉnh về các nội dung hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động và vay vốn phát triển kinh tế gia đình. UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề huyện (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên) chủ động nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề theo địa chỉ, gắn đào tạo với giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông đã đạt được kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có gần 150 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh; gần 1.400 lao động đi làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh (tạo việc làm mới cho hơn 300 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, đạt 50% kế hoạch đề ra). Trong đó, thực hiện Ðề án 1956, từ đầu năm đến nay Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở 8 lớp dạy nghề, chủ yếu về kỹ thuật chăn nuôi, trồng ngô, lúa năng suất cao thu hút 278 học viên tham gia. Sau khi học nghề, học viên biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Xuất khẩu lao động cũng là giải pháp giải quyết việc làm được thực hiện hiệu quả. Từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 11 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường lao động chủ yếu ở các nước: Ðài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, thông qua các kênh tuyên truyền của tổ chức hội, đoàn thể và các chương trình chính sách hỗ trợ vay vốn, nhiều người lao động được vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm.
Ðể công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới huyện Ðiện Biên Ðông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các chính sách của Nhà nước và của tỉnh về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động; thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương; tăng cường tuyên truyền, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia xuất khẩu lao động.
Không chỉ 2 huyện kể trên, các huyện, thị, thành phố đều đề cao trách nhiệm, đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Hàng năm, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế… Ngoài ra, tỉnh ta cũng chú trọng liên kết đào tạo, cung cấp nguồn lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh như: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Hàng năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng nhiều đơn vị tổ chức hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, người lao động trên địa bàn tham gia tìm hiểu, phỏng vấn, ứng tuyển.
Một trong những giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên thị trường lao động là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án và lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình có chung mục tiêu để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 27.839 người (trình độ cao đẳng 397 người; trung cấp 490 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 26.952 người, trong đó lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 18.682 người). Trong số 18.682 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có 13.768 người có việc làm sau học nghề, đạt trên 73,7%.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã duy trì, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho khoảng 317.651 lao động, tạo việc làm mới cho 31.763 lao động. Trong đó, giải quyết việc làm thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và tuyển dụng lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã trong tỉnh và tự tạo việc làm cho 23.201 lao động; thông qua cho vay vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm 4.187 lao động; tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan hành chính Nhà nước, Ðảng, đoàn thể 2.091 người. Ðặc biệt, toàn tỉnh có 2.111 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh và 173 người đi xuất khẩu lao động./.
PV
TAG: