Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài
04:03 PM 25/02/2025
(LĐXH)- Những năm qua, công tác mở rộng và phát triển thị trường lao động mới với loại hình ngành nghề mới, phù hợp, an toàn và nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thường xuyên được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo...
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, thời gian qua, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất Bộ triển khai các giải pháp ổn định, giữ vững thị trường truyền thống, thúc đẩy phát triển một số thị trường mới tiềm năng, tạo cơ hội mới cho người lao động khi lựa chọn đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được chú trọng và đẩy mạnh; các hoạt động thanh tra, kiểm tra thường xuyên được tăng cường nhằm kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, chủ động và tích cực hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ chú trọng hơn trong việc chủ động tìm kiếm và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản và chủ động trong công tác tạo nguồn, công tác đào tạo tay nghề và ngoại ngữ cho người lao động trước khi xuất cảnh; đồng thời, phối hợp tốt với các đối tác nước ngoài tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thúc đẩy việc gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc tại tỉnh Mie (Nhật Bản)

Theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 158.588 lao động (52.898 lao động nữ), đạt 126,9% kế hoạch năm (kế hoạch là từ 125.000 lao động). Trong đó, thị trường Nhật Bản 71.518 lao động (30.295 lao động nữ), Đài Loan 62.282 lao động (19.824 lao động nữ), Hàn Quốc 13.649 lao động (1.465 lao động nữ), Trung Quốc 2.335 lao động (05 lao động nữ), Hungary 759 lao động (145 lao động nữ), Singapore 1.544 lao động nam, Rumani 1.023 lao động (95 lao động nữ), Ba Lan 331 lao động (70 lao động nữ), Hồng Kông 582 lao động (14 lao động nữ), Algeria 397 lao động (06 lao động nữ), Ả-rập Xê-út 660 lao động (445 lao động nữ), Liên bang Nga 591 lao động (148 lao động nữ), Macao 346 lao động (130 lao động nữ) và các thị trường khác.
Cụ thể đối với thị trường Nhật Bản, hiện có khoảng 450 nghìn lao động, thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, thực tập sinh kỹ năng xấp xỉ 200.000 người, lao động kỹ năng đặc định khoảng 150.000, lao động trình độ kỹ sư, kỹ thuật viên khoảng 100.000 người. Việt Nam là quốc gia phái cử nhiều nhất trong tổng số 15 nước tham gia phái cử lao động sang Nhật Bản.
Năm 2024 tăng thêm 16 doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký hoạt động thị trường Nhật Bản, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động cung ứng lao động sang thị trường Nhật Bản lên 450 doanh nghiệp. Bao gồm 131 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cung ứng lao động nghề hộ lý sang Nhật Bản, tăng thêm 11 doanh nghiệp đủ điều kiện cung ứng lao động ngành hộ lý sang Nhật Bản so với năm 2023.
Trong năm, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã hợp tác với phía Nhật Bản tổ chức 16 đợt thi nghề dành cho lao động kỹ năng đặc định tại Việt Nam các ngành nghề: hộ lý, nông nghiệp, sửa chửa bảo dưỡng ô tô, dịch vụ lưu trú, xây dựng, với tổng số 1652 người dự thi, số lượng thi đỗ là 1.336 người (đạt 80%).
Đối với thị trường Hàn Quốc, hiện có hơn 60.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, có 42.000 lao động E-9, 9.800 lao động E-10, 11.200 lao động E-7 và hơn 2.000 lao động E-8 do các địa phương triển khai MOU; ngoài ra, có hơn 22.000 lao động thời vụ sang làm việc tại Hàn Quốc theo bảo lãnh của gia đình đa văn hóa Việt - Hàn).
Việt Nam vẫn là quốc gia chiếm thị phần lớn trong cả 4 loại hình visa lao động mà Hàn Quốc tiếp nhận như đứng đầu về số lượng lao động E-7 (chiếm 20,3%, gấp 3 lần nước đứng thứ hai là Indonesia) và E-8, đứng thứ hai về số lao động E-10 (chiếm 44%, đứng sau Indonessia), đứng thứ 3 về số lao động E 9 (sau Campuchia và Nepal).
Trong năm 2024, Việt Nam đã xử lý 1.053 đăng ký hợp đồng cho 3.721 lao động có tay nghề, thuyền viên tàu cá gần bờ, xa bờ và thuyền viên tàu vận tải. Trong bối cảnh Hàn Quốc mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài: tăng chỉ tiêu và mở rộng ngành, nghề tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS (thị thực E9, bổ sung ngành đóng tàu, dịch vụ), lao động kỹ thuật ngành đóng tàu (E7), lao động thời vụ (E8) và đang xem xét tiếp nhận lao động nước ngoài trong các ngành, nghề dịch vụ, truyền tải điện...
Về các thị trường khu vực Châu Âu có nhiều tín hiệu tốt. Một số thị trường duy trì tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở mức ổn định như: Hungari, Romania, Hy Lạp, Liên bang Nga; người lao động sang làm việc ở các quốc gia này có công việc và thu nhập ổn định ở mức khá. Một số thị trường tiềm năng có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam với công việc ổn định và thu nhập khá cao, nhưng yêu cầu lao động có trình độ kỹ năng nghề và ngoại ngữ cao như Áo, Đan Mạch nên số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở các thị trường này còn ở mức khiêm tốn.
Năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động nghiên cứu, thúc đẩy đàm phán thỏa thuận về hợp tác lao động với một số quốc gia trong khu vực Châu Âu để mở rộng thị trường, tạo nhiều cơ hội việc làm với thu nhập khá cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, đã trao đổi đàm phán Bản ghi nhớ hợp tác về di cư và dịch chuyển lao động với Hy Lạp; trao đổi Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước: Hungary, Ba Lan, Phần Lan và Serbia…
Qua đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong nhiều loại hình ngành nghề công việc như: sản xuất, chế tạo (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử...); xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình) với điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm. Thu nhập của người lao động cao và ổn định, giao động từ 1.200 – 1.600 USD/tháng tại Nhật Bản và Hàn Quốc; 800 - 1.200 USD/tháng tại Đài Loan (Trung Quốc) và các nước Châu Âu; 700 – 1.000 USD/tháng đối với lao động có nghề và 500 – 600 USD/tháng đối với lao động phổ thông ở địa bàn Trung Đông, Châu Phi.
Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước tính đạt từ 5 – 7 tỷ Đô la Mỹ. Số tiền này đã giúp cải thiện cuộc sống của bản thân người lao động và gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là tại những tỉnh, thành phố có số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cục trưởng Tống Hải Nam trao đổi: Cùng với việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng được đơn vị phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chỉ đạo các Ban Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài và hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết kịp thời, dứt điểm. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, thân nhân người lao động hoàn thiện hồ sơ đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm tai nạn lao động, tiền đền bù; tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động thông qua việc chủ động đề xuất, đưa các nội dung liên quan đến quyền lợi của người lao động về thuế thu nhập, việc làm, bảo hiểm, tiền lương, chống phân biệt đối xử...
Có thể khẳng định, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế mà còn góp phần đảm bảo được vị thế của người lao động Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài, cũng như qua đó nâng cao trình độ của người lao động để về làm việc trong nước. Việt Nam chủ trương đưa lao động qua đào tạo, khuyến khích nâng cao trình độ trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với xu hướng chung của thị trường lao động và người sử dụng lao động, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chí Tâm

TAG: Nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Tin khác
Lãnh đạo TP.HCM gặp  mặt 300 cán bộ công đoàn, công nhân tiêu biểu
Sa thải hơn 1.000 nhân viên, VietCredit lỗ lãi thế nào?
Thúc đẩy hợp tác đưa lao động Việt Nam sang tỉnh Fukushima (Nhật Bản) làm việc
Ghi nhận ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương có 100% lao động trở lại làm việc sau Tết
TPHCM: Hơn 50.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Đảm bảo không bị thiếu hụt lao động sau Tết
2 công việc ngồi nhà cũng kiếm khủng được ưa chuộng nhất
Hơn 18.400 lượt người được Trung tâm Dịch vụ TP.HCM tư vấn tư vấn, giới thiệu việc làm