
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM
Tại Hội thảo góp ý dự án Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, ngày 8/4, đã có nhiều ý kiến góp ý và mong muốn, kéo dài thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, để tạo điều kiện cho người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Phạm Văn Hiền, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM, góp ý cho khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm (sửa đổi) dự thảo quy định về thời hạn đăng ký hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng kể từ ngày mất việc. Theo ông, thời gian này quá ngắn, thực tế có nhiều người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do quá thời hạn nộp hồ sơ theo quy định.
Đặc biệt, tình trạng nợ bảo hiểm của doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành còn rất phức tạp. Những người công nhân lao động bị nợ bảo hiểm làm sao kịp chốt sổ bảo hiểm trong 3 tháng kịp để làm bảo hiểm thất nghiệp?. Do đó, ông Hiền đề nghị nâng quy định thời hạn này từ 3 tháng lên 6 tháng hoặc cho người lao động tự lựa chọn thời gian làm hồ sơ khi họ muốn.
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 1 (TP.HCM), đồng quan điểm với đề xuất kéo dài thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động từ 3 tháng lên 6 tháng. Ông Lâm nói: Trong thực tế có nhiều trường hợp doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội nên việc chốt sổ bảo hiểm rất khó. Khi làm xong thì người lao động không kịp thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực tế lại vẫn chưa tìm được việc làm mới.
Ông Trần Dũng Hà, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, đề nghị nên bỏ điều kiện thời gian đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Hà, chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động còn được tư vấn việc làm, tư vấn học nghề,... Theo đó, nên có độ mở để người lao động nộp hồ sơ, khi nào nộp cũng được nhưng phải là chưa có việc làm. Qua đó, mới khuyến khích được người lao động chủ động, tích cực tìm kiếm việc làm quay lại thị trường lao động. “Khi nào người lao động đủ điều kiện, muốn nộp hồ sơ là tùy, khuyến khích họ dành thời gian tìm việc chứ không cần hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp”, ông Hà nói.
Tại hội thảo, Luật sư Trương Thị Hòa, đề xuất bổ sung trường hợp người lao động bị sa thải vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì họ đóng là được hưởng (Điều 43 dự thảo quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp). Theo Luật sư Hòa, đối với trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (theo Bộ luật Lao động), không đúng quy định (theo Luật Viên chức) thì cần làm rõ trường hợp nào không được hưởng, trường hợp nào được hưởng.
Chia sẻ thêm, ông Trần Dũng Hà, nói: “Nguyên tắc bảo hiểm thất nghiệp là đóng hưởng và chia sẻ rủi ro, nếu không cho bảo lưu thì vi phạm nguyên tắc đóng hưởng. Nếu không cho bảo lưu thì đề xuất cho phép người lao động đóng bảo hiểm đến 144 tháng thì dừng, không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp nữa”.
Ông Phạm Văn Hiền, cho biết, trong quá trình tư vấn cho người lao động, trung tâm ghi nhận mong muốn của đa phần người lao động là được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp này. Điều này sẽ góp phần duy trì gắn kết của người lao động, giúp họ lựa chọn gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp. Không bảo lưu thì cần tăng tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp lên cho người lao động có thời gian đóng vượt 144 tháng. “Không tăng thì nhiều người lao động làm việc đủ 12 năm là họ nghỉ việc để hưởng trợ cấp thất nghiệp, hưởng hết 12 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới đi làm lại”, ông Hiền nói.
Trương Đăng