Theo Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, mức thấp nhất theo quy định của pháp luật.
Với quan điểm trợ cấp thất nghiệp phải giúp người lao động duy trì cuộc sống trong thời gian tìm việc hoặc học nghề khi mất việc làm, thì hỗ trợ của chính sách còn quá thấp, chưa tương xứng sẽ rất khó thu hút người lao động tham gia. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm thất nghiệp chưa thật sự là “phao cứu sinh” cho người lao động là vì mức đóng không phản ánh đúng thu nhập thực tế. Đơn cử, một công nhân may có thể thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp chỉ khai lương đóng bảo hiểm thất nghiệp ở mức 6 triệu đồng. Như vậy, dù tỷ lệ hưởng là 60%, thì số tiền thực nhận chỉ khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp này không đủ chi phí cá nhân cho NLĐ, chứ chưa kể đến chi phí gia đình, vì hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4 triệu đồng/tháng), mức trợ cấp chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nghịch lý này tồn tại đã lâu khiến người lao động bị thiệt thòi khi mất việc, mức trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp không đủ bảo đảm cuộc sống tối thiểu, càng không phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Hơn nữa, theo quy định, mức hỗ trợ nghề cho người lao động không quá 01 triệu đồng/người/tháng; đối với các khóa học có mức chi phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì người lao động phải tự chi trả phần vượt mức. Điều này khiến cho nhiều người thất nghiệp không mặn mà với việc tham gia các lớp hỗ trợ, đào tạo nghề cho họ. Ngoài ra, điều kiện hưởng chế độ hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động còn chưa phù hợp với tình hình thực tế. Để được nhận kinh phí hỗ trợ theo chế độ này, doanh nghiệp cần đáp rất nhiều điều kiện về thời gian đóng; trường hợp được hưởng, số lao động bị cắt giảm, kinh phí, phương án đào tạo nghề… dẫn đến từ khi triển khai Luật Việc làm đến nay có rất ít đơn vị sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị và đủ điều kiện được thụ hưởng chế độ này.
Đến thời điểm này, bảo hiểm thất nghiệp hiện chỉ áp dụng bắt buộc với người lao động có hợp đồng, trong khi đó, có tới hàng chục triệu người lao động phi chính thức lại không có cơ hội tiếp cận chính sách. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, chính sách việc làm cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động, cũng có thể thất nghiệp nhằm để bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm tính công bằng giữa các lực lượng lao động trong xã hội.
Là một trong những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống phải đạt được mục tiêu hỗ trợ chủ động cho người lao động, không chỉ là trợ cấp khi mất việc mà còn bao gồm các biện pháp hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo, nâng cao kỹ năng, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới và ổn định cuộc sống. Bộ Nội vụ đang dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động, đáng chú ý, bảo hiểm thất nghiệp là một trong những ưu tiên sửa đổi của dự thảo.
Trần Huyền