Chính sách bảo hiểm thất nghiệp khẳng định vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội
(LĐXH)-Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến cuối năm 2024, cả nước có trên 16 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tất cả người thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Nhờ có chính sách BHTN, người lao động đã giảm bớt khó khăn trong thời gian
tìm việc làm mới.
Hiện nay, việc thực hiện giải quyết chế độ BHTN đã được triển khai thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, cụ thể như sau: Luật Việc làm số 38/2013/QH13; Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN; Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/5/2020 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP; Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2021 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN; Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 31/7/2015 hướng dẫn thực hiện Điều 52 Luật Việc làm và một số điều Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN; Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH và một số văn bản khác quy định về giao dịch điện tử, cơ chế quản lý tài chính, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...
Tổ chức thực hiện chính sách BHTN do 2 Ngành thực hiện: là ngành Lao động- Thương binh và Xã hội (nay là ngành Nội vụ) thực hiện tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHTN và ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng Quỹ BHTN. Theo đó, việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, ban hành các quyết định hưởng các chế độ BHTN của người lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Nội vụ) thực hiện; đối với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động do Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Cơ quan Bảo hiểm xã hội tổ chức thu BHTN cùng với việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, tổ chức chi trả các chế độ BHTN cho người lao động theo quy định.
Để thực hiện Chính sách BHTN, Bộ Nội vụ giao cho Cục Việc làm có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước một số lĩnh vực trong đó có lĩnh vực BHTN. Trong đó, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp thuộc Cục có nhiệm vụ hỗ trợ, triển khai các hoạt động sự nghiệp về BHTN như: đào tạo nghiệp vụ, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm BHTN, nắm bắt tình hình, hướng dẫn giải quyết khó khăn, vướng mắc, nghiên cứu, áp dụng các mô hình/quy trình thực hiện, nghiên cứu, đề xuất, phân tích, tổng hợp và báo cáo tình hình thực hiện BHTN...
Tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Nội vụ đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức 212 điểm tiếp nhận và điểm ủy thác tại các quận, huyện thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, thẩm định hồ sơ và dự thảo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyết định hỗ trợ học nghề của người lao động để trình Giám đốc Sở Nội vụ các quyết định BHTN.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện theo ngành dọc 3 cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó việc thu BHTN được thực hiện cùng với việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội huyện là cơ quan tổ chức thực hiện chi trả các chế độ BHTN cho người lao động theo quy định (Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện chi hỗ trợ học nghề cho cơ sở đào tạo nghề nghiệp; chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động cho người sử dụng lao động; Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp do bưu điện tỉnh thực hiện, hoặc chi trả qua tài khoản ngân hàng cho người lao động, căn cứ vào danh sách chi trả trợ cấp thất nghiệp do bảo hiểm xã hội tỉnh duyệt chi).
Nhìn chung, sau 15 năm thực hiện, chính sách BHTN sớm đã đi vào cuộc sống và có hiệu quả, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia và đánh giá cao. Năm 2009, cả nước mới chỉ có 5,9 triệu người tham gia BHTN thì đến năm 2024 có trên 16 triệu người tham gia, đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi; tất cả người thất nghiệp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; trên 10 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề cho trên 300 nghìn người... Để có kết quả như trên, Cục Việc làm, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm cùng với các Sở Nội vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh/thành phố đã tích cực phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh/thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức tốt công tác tuyên truyền chính sách BHTN, thường xuyên trao đổi, cùng nhau tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá tổ chức thực hiện, nắm bắt kịp thời các kiến nghị của người lao động, người sử dụng lao động và đưa ra các giải pháp để tháo gỡ./.
Thu Hương
TAG: