Vĩnh Phúc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH)-Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bình quân mỗi năm Vĩnh Phúc phấn đấu giải quyết việc làm cho trên dưới 23.000 lao động. Với sự phát triển của các doanh nghiệp, các làng nghề, thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ ngày càng tăng cao, việc giải quyết việc làm cho lao động không còn gặp khó khăn như thời gian trước.
Năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 25.300 lao động (tăng 1,7% so với năm trước); trong đó, có gần 2.000 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; năm 2018 con số tương ứng là gần 25.000 lao động và hơn 2.000 người. Riêng 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 18.700 lao động (đạt 78% kế hoạch); trong đó 1.459 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Để đạt được kết quả khả quan trong giải quyết việc làm cho người lao động một phần là nhờ số lượng doanh nghiệp và các loại hình dịch vụ trên địa bàn Vĩnh Phúc phát triển mạnh toàn diện. Nếu như năm 2014, Vĩnh Phúc có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút 37.790 lao động, thu nhập bình quân trong các khu công nghiệp đạt khoảng 3,4 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2019 Vĩnh Phúc có 344 dự án FDI đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng vốn đăng ký 4,65 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 87.000 lao động, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay lao động Vĩnh Phúc có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm
Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề; hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Kế hoạch của UBND tỉnh và Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường công tác xúc tiến, vận động thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tại tỉnh Vĩnh Phúc đều có thông báo tuyển dụng lao động số lượng lớn, với nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia cùng lúc; nếu như trước đây chủ yếu là vào sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán thì hiện nay diễn ra ở nhiều thời điểm trong năm. Điều này tạo điều kiện cho lao động trẻ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn, tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo, sở thích, thu nhập đảm bảo ổn định…
Bên cạnh các khu công nghiệp, Vĩnh Phúc hiện có 25 làng nghề (trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới), thu hút khoảng 45.000 lao động có việc làm ổn định. Các làng nghề có ưu thế huy động được nhiều lứa tuổi lao động lúc nông nhàn, ngay cả các em học sinh cũng tranh thủ làm nghề bán thời gian; thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Để làng nghề phát triển, tỉnh có nhiều chính sách như hỗ trợ người dân học nghề, đào tạo nghề; giúp các làng nghề nâng cao năng lực sản xuất thông qua các chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị, quy hoạch làng nghề để các hộ dân mở rộng mặt bằng, đầu tư máy móc thiết bị mở rộng quy mô sản xuất…
Cùng với đó, Vĩnh Phúc luôn đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm được các ngành chức năng duy trì thực hiện. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh định kỳ mở phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm vào ngày thứ 5 hàng tuần, tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh, trao đổi thông tin với ngành chức năng của các tỉnh lân cận trong việc cung ứng lao động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài 4 phiên giao dịch việc làm được duy trì định kỳ mỗi tháng, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, huyện để nhân dân địa phương có thêm cơ hội tiếp cận những thông tin cần thiết, hữu ích về những vị trí việc làm còn trống, yêu cầu của doanh nghiệp với ứng viên, các chế độ lương – thưởng cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp…
Căn cứ vào hồ sơ, năng lực của người lao động, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tư vấn về chính sách lao động, việc làm, học nghề và bảo hiểm thất nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho gần 13.000 lao động, đạt 56% kế hoạch được giao.
Công tác hỗ trợ kinh phí cho người lao động khởi nghiệp, mở rộng và duy trì việc làm, xuất khẩu lao động cũng được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ủy thác 217 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn hỗ trợ cho người lao động. Thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Cục việc làm về hoạt động tín dụng ưu đãi cho người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua đề nghị vay vốn để tạo việc làm tại chỗ của 172 trường hợp với tổng số tiền gần 5,6 tỉ đồng.
Quan tâm đẩy mạnh công tác XKLĐ, giải quyết việc làm, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Với Nghị quyết này, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động từ 50 - 200 triệu đồng và nâng mức mức hỗ trợ đối với lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài chia theo đối tượng và theo thị trường, trong đó, đối với các đối tượng ưu tiên có con em đi thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản được hỗ trợ 15 triệu đồng; đi lao động tại các nước khác được hỗ trợ 8 triệu đồng/người...
Ngay từ đầu năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng chủ động ban hành kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn XKLĐ cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, vùng núi khó khăn, lao động thuộc đối tượng chính sách, người dân tộc.
Các cơ sở dịch vụ việc làm của tỉnh thường xuyên phối hợp cùng các cấp chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn chủ trương, chính sách hỗ trợ XKLĐ của tỉnh; thông báo về kế hoạch, chỉ tiêu tuyển lao động, đồng thời, phối hợp với những doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ uy tín xuống tận thôn, xóm, khu dân cư để tư vấn, tuyển dụng lao động xuất khẩu.
Với vai trò đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn và đào tạo người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, thời gian qua, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh và trở thành địa chỉ tin cậy đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, năm 2018, công tác XKLĐ của Vĩnh Phúc đã về đích đúng mục tiêu, với 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Riêng 9 tháng năm 2019, toàn tỉnh đưa 1.459 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Để công tác giải quyết việc làm đạt kết quả qua, Vĩnh Phúc tiếp tục có kế hoạch điều tra, thu thập lưu trữ thông tin thị trường lao động; nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đối với công tác tạo nguồn lao động, tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động; tăng cường tuyên truyền đến các đối tượng, vùng miền, giúp người dân nắm rõ các chủ trương chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo./.
Mỹ Hạnh
TAG: