Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Vĩnh phúc: Khó xác định lao động tự do để lập danh sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP
11:08 AM 06/08/2021
(LĐXH) - Với kinh nghiệm phòng, chống dịch trong năm 2020 và sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng được kiểm soát, đồng thời khoanh vùng, cách ly gọn; sự chủ động tháo gỡ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, của các cấp, các ngành, đã hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh
Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa sản xuất, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo an sinh xã hội, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau và sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Rút  ngắn quy trình, thủ tục
Để rút ngắn quy trình, thủ tục, nhằm kịp thời hỗ trợ các chính sách, UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc ủy quyền phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Kiểm tra, giám sát các phương tiện, người ra vào tỉnh tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở đầu cầu Xuân Phương, TP. Phúc Yên
Sở Lao động - TB&XH đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; Trình UBND tỉnh Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính về thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở và văn bản liên quan để phối hợp, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Thành lập các Tổ công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và phòng, chống dịch Covid-19 thuộc Sở. Cử các đoàn công tác xuống cơ sở, để nắm bắt tình hình triển khai thực hiện, đồng thời đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo triển khai kịp thời ngay tại cơ sở.
Tính đến hết tháng 7/2021, toàn tỉnh đã tiến hành hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: cho 3.424 đơn vị, với số lao động được giảm đóng là 173.655 lao động, số kinh phí giảm mức đóng tạm tính là gần 61 tỷ đồng. Hỗ trợ người lao động được tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương cho 11 đơn vị với kinh phí trên 485 triệu đồng. Cùng với đó, xác nhận hồ sơ của 04 doanh nghiệp hỗ trợ cho 108 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động nuôi con chưa đủ 6 tuổi (24 người) với số tiền trên 425 triệu đồng. Xác nhận 01 doanh nghiệp hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương  cho lao động cho 16 lao động, với kinh phí trên 59 triệu đồng.
Đến nay, Vĩnh Phúc đang thẩm định 06 đơn vị và 52 người lao động đã được xác nhận để chuyển hồ sơ về UBND cấp huyện thẩm định, phê duyệt; Hỗ trợ người lao động ngừng việc cho 05 doanh nghiệp và 122 lao động ngừng việc và 101 người lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi với kinh phí 226 triệu đồng. Hỗ trợ toàn bộ trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế cho 1.897 người, với số tiền gần 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch cho 03 đối tượng với kinh phí là 11.130.000 đồng. Ngoài ra, Vĩnh Phúc còn hỗ trợ vay vốn trả lương ngừng việc cho 04 đơn vị với số tiền 470,4 triệu đồng; Vay vốn trả lương cho người sử dụng lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh cho 04 đơn vị với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng.
Chi trả hỗ trợ cho người lao động
Riêng đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động: Theo báo cáo của các huyện, thành phố có 51.073 người là lao động tự do làm việc ở những ngành nghề phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19, theo quy định của các cấp có thẩm quyền và một số nhóm đối tượng khác bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, mức hỗ trợ của tỉnh là 1,5 triệu đồng/người. Đối với các đối tượng thuộc diện này, Sở Lao động - TB&XH đang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện các quy trình để hỗ trợ theo quy định của tỉnh.
Một số khó khan, vướng mắc
Báo cáo Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình chi trả cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, ông Nguyễn Việt Phương, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc thực hiện rà soát, lập danh sách cho các đối tượng theo nhóm 12 Nghị quyết 68/NQ-CP còn gặp nhiều khó khăn, do số đối tượng được thụ hưởng lớn, đội ngũ cán bộ của ngành còn mỏng. Đối với người lao động không có quan hệ lao động (lao động tự do), hiện tỉnh rất khó xác định đối tượng thụ hưởng, do người lao động Vĩnh Phúc làm ở nhiều ngành nghề khác nhau tạo ra thu nhập, do vậy khi ngành nghề này tạm dừng, người lao động lại có thu nhập tại ngành nghề khác.
Về phía Người sử dụng lao động, một số doanh nghiệp đã lập danh sách đề nghị BHXH xác nhận theo quy định, nhưng hồ sơ chưa đầy đủ, nên cần hoàn thiện thêm. Có doanh nghiệp, cán bộ nhân sự còn bối rối trong việc xác định đối tượng thuộc diện hưởng chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động/nghỉ việc không hưởng lương với chính sách hỗ trợ ngừng việc. Ngoài ra, một số người lao động phải nghỉ việc vì cách ly phòng, chống dịch Covid-19 thuộc đối tượng hưởng chính sách, nhưng chưa cung cấp được văn bản yêu cầu cách ly của cơ quan có thẩm quyền. Cá biệt, có trường hợp người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng được cử đi công tác và bị cách ly tại khu vực bị phong tỏa thuộc tỉnh/thành phố khác. Tất cả các trường hợp trên đều đòi hỏi thời gian để hoàn thiện hồ sơ.
Cũng tại Hội nghị, Sở Lao động - TB&XH Vĩnh Phúc đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Lao động - TB&XH cần có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng số tiền được giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (dùng mục đích gì, khoản chi, nội dung, mức chi…). Hiện nay, tại Điều 1 Quyết định 23 chỉ nêu: “…người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống Covid-19”.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động