Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Nghị quyết 68/NQ-CP: Gắn an sinh với phát triển kinh tế - xã hội
10:11 AM 09/07/2021
(LĐXH)- Gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thể hiện tính nhân văn của chế độ XHCN với mục tiêu cao cả là an sinh xã hội, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế... cũng như hoàn thành mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra...
Đây là những chia sẻ của ông Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc điều hành Economica Vietnam.
Đợt bùng phát dịch bệnh COVID lần này ở nước ta khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động rơi vào cảnh “kiệt quệ”. Để góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch
Có thể thấy rằng, gói hỗ trợ mới lần này được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn thêm một lần nữa khẳng định thông điệp của Chính phủ là lúc nào cùng hướng về người dân, lo cho người dân, bằng mọi giá phải đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Chính vì vậy, nhiều người kỳ vọng chính sách hỗ trợ lần này sẽ tiếp sức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất.
Do đó, nếu chúng ta giải ngân hết và hiệu quả gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP đúng mục tiêu trong năm nay, gói kích cầu này sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021. Điều đó, ngoài ý nghĩa về mặt xã hội nó còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Như vậy, đây là khoản đầu tư đúng, khoản chi đúng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Ông Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trao đổi: Chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg là minh chứng thể hiện đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam, đó là chúng ta gắn các vấn đề xã hội với phát triển kinh tế. Đó là đặc trưng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và chúng ta thấy rằng định hướng hỗ trợ về xã hội này, ngoài mục đích có tính nhân văn về mặt xã hội, cho mục đích an sinh xã hội bản thân nó cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế.
"Tuy nhiên, khác với lần trước, việc thiết kế gói 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP cũng để lại cho chúng ta rất nhiều bài học mà chúng ta nên rút kinh nghiệm cho gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP lần này. Chúng ta có thể thấy gói 62.000 tỷ đồng được thiết kế trong bối cảnh gấp gáp, rất khó khăn, chưa có tiền lệ vì vậy không tránh khỏi những hạn chế" – ông Lê Duy Bình, chia sẻ.
Theo ông Lê Duy Bình, việc đầu tiên đối với gói 26.000 tỷ đồng là chúng ta phải xác định rõ ràng nguồn tiền mà các địa phương, các Bộ, ngành có thể tiếp cận ngay được để có thể giải ngân. Thứ 2 là thủ tục sẽ phải xác định đơn giản hơn. Đây là gói hỗ trợ mang tính chất khẩn cấp và khi chúng ta thực hiện mang tính khẩn cấp như vậy thì phải bỏ quan những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà và không cần thiết. Kể cả đối với doanh nghiệp và người lao động.
"Chúng ta không thể đòi hỏi người lao động tự do chứng minh họ đã mất việc phải có hợp đồng lao động để được hưởng gói hỗ trợ. Tất cả các thủ tục hành chính được áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp, điều kiện ngặt nghèo chúng ta phải loại bỏ. Những thiết kế mang tính chất không phù hợp với nguyên tắc thương mại, không phù hợp với hành chính hóa, với quyết định cho vay... thì cần loại bỏ. Tôi nghĩ điều đó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải ngân của gói hỗ trợ này" - ông Lê Duy Bình, phân tích.
Ông Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Đặc biệt, trong Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg lần này đã có những điểm mới rất quan trọng. Trước hết là 2 nhóm đối tượng chính sách được cụ thể hóa một cách chi tiết, cách thức thực hiện, thời gian tiến hành; quy trình giải quyết, cấp nào giải quyết, phân cấp, phân quyền rất rõ và đề cao trách nhiệm người đứng đầu (Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện) là những người quyết định. Thứ hai là giản đơn tối đa các thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, với sự quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị cũng như quyết tâm thay đổi cách làm, với mục tiêu tất cả vì người lao động, tất cả vì những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch. Sự cải thiện về tốc độ giải ngân so với gói hỗ trợ trước sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động trong khu vực phi chính thức, cho người lao động tự do, lao động mất việc do bệnh dịch gây ra. Điều này sẽ hỗ trợ duy trì lực lượng lao động và hỗ trợ cho nguồn lực vô cùng quý báu cho quá trình phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm và trong những năm tới.
Ông Lê Duy Bình, nhấn mạnh: Chúng ta phải gắn trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu mỗi địa phương, người đứng đầu các Bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai, cũng như phải huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội và người dân trong thực hiện gói hỗ trợ. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, mang tính chất quyết định đối với tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ này.
"Chúng ta cần gắn trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện công việc cuối năm của các Bộ, ngành, của các địa phương, của người đứng đầu các đơn vị này vào kết quả của giải ngân mà phần vốn đã được giao. Đây phải là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công việc thì chúng ta mới mong tốc độ giải ngân gói hỗ trợ mới tăng lên, mang được nguồn vốn này đến tay người lao động, những người mà hiện nay đang rất cần nguồn hỗ trợ đối với cuộc sống" – ông Lê Duy Bình, khẳng định.
Chí Tâm
TAG:
Tin khác
Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025