Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Việc làm cho lao động nữ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0
03:46 PM 25/10/2019
(LĐXH)- Theo kết quả nghiên cứu về lao động nữ tại Việt Nam do Mạng lưới Hỗ trợ lao động di cư Việt Nam (M.net) công bố đầu năm 2019, lao động nữ chiếm hơn 64% tổng số lao động trong các khu công nghiệp.
Các ngành sử dụng lao động phổ thông như dệt may, chế biến thủy sản có tới hơn 70% là lao động nữ... Trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm do bị máy móc thay thế. Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho nữ giới tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể hóa quyền bình đẳng và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động nữ.
Lao động nữ hiện nay được xác định là nguồn nhân tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội. Lao động nữ có vai trò quan trọng trong chăm sóc gia đình, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước và trong lao động sản xuất, đóng góp một phần to lớn công sức và trí tuệ cho nền hoà bình và văn minh nhân loại.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, do có những đặc điểm riêng biệt về sinh học đặc biệt, lao động nữ phải thực hiện thiên chức sinh đẻ và nuôi con; cơ thể người phụ nữ không có cấu trúc để chịu đựng những tác động lớn, phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố độc hại, nguy hiểm... mà lao động nữ khó khăn hơn so với lao động nam về tìm kiếm việc làm, ổn định việc làm lâu dài và bảo đảm thu nhập. Hơn nữa, cũng do phải thực hiện thiên chức nên lao động nữ cần thiết được bảo vệ khi tham gia quan hệ lao động, tránh những ảnh hưởng có hại từ điều kiện lao động đến chức năng sinh đẻ và nuôi con của họ, tức là ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất mở rộng lực lượng lao động. Vì thế, pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia đều có quy định riêng để bảo vệ lao động nữ.
Nhà nước bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ bình đẳng với lao động nam trong các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, tìm việc làm và được bảo đảm việc làm trong quá trình tham gia quan hệ lao động. Đồng thời, Nhà nước có các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Ngoài ra, Nhà nước rất chú trọng đến các quyền lợi riêng của lao động nữ khi tham gia quan hệ lao động. Theo đó, lao động nữ không chỉ được bảo đảm việc làm ổn định, thường xuyên, lâu dài, mà còn được bảo đảm các điều kiện lao động an toàn, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ nghề nghiệp và nhất là được bảo đảm thu nhập, phúc lợi.
Không chỉ vậy, nhiều chính sách được ban hành còn giúp lao động nữ phát huy được khả năng, trình độ của mình vừa cống hiến cho xã hội vừa thực hiện tốt thiên chức trong gia đình, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Lao động ( trong đó dành riêng một Chương X. Những quy định riêng đối với lao động nữ, quy định các chính sách của Nhà nước, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ, bảo vệ thai sản, bảo vệ việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản và những công việc không được sử dụng lao động nữ), Luật Việc làm; các Nghị định về chính sách đối với lao động nữ, chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm...
Ngoài những chính sách trên, Nhà nước luôn khuyến khích và hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ như: khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc và thực hiện các chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật; hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức công đoàn lập kế hoạch, thực hiện các giải pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lao động nữ; khuyến khích người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lóp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi; nhà ở cho lao động nữ.
Nhìn chung, Nhà nước có chính sách hợp lý để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền làm việc của lao động nữ và hỗ trợ lao động nữ tập trung thời gian cho công việc, tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong phát triên kinh tế - xã hội. Đặc biệt, bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chính sách đó đã và đang hết sức thiết thực đối với lao động nữ, có ý nghĩa giúp lao động nữ thực hiện tốt hơn những công việc được giao, từ đó nâng cao thu nhập. Ngoài ra nó còn có ý nghĩa đảm bảo tâm lý của lao động nữ, lao động nữ tiếp tục có cơ hội thực hiện việc làm, ổn định thu nhập và phát triển bản thân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

P.V

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật