Vay vốn ưu đãi tạo việc làm ổn định cho người dân Bắc Giang
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm có ý nghĩa lớn với người dân. Bởi từ đồng vốn vay ưu đãi đó, họ có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng quy mô ngay tại địa phương. Nhiều người có sinh kế ổn định để tăng thu nhập, nhất là lao động trung tuổi khó tìm việc làm ở trong các doanh nghiệp.
Mấy năm gần đây, gia đình anh Trần Quang Trung, thôn Nhập Thành, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) chuyển đổi vườn vải thiều sang trồng cam đường Canh. Trong khu vườn của gia đình hiện có hơn 100 cây cam từ 4-6 năm tuổi và khoảng 2 vạn cây giống cung cấp cho bà con trong xã. "Khi quyết định chuyển đổi cây trồng, trở ngại lớn nhất với gia đình đó là thiếu vốn. Được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục nhanh gọn, anh Trung đã vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Ngạn", anh Trung nói.
Anh Trung cho biết thêm, trước đây do thiếu việc làm, vợ đi xuất khẩu lao động với nghề giúp việc gia đình để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi chuyển đổi sang trồng cam cho hiệu quả kinh tế, hết thời hạn lao động, vợ anh quyết định ở nhà cùng chồng tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả. Với vườn cam và nghề ươm cây giống, vợ chồng anh Trung làm không hết việc. Thời điểm thu hoạch phải thuê thêm 3 đến 5 nhân công phụ giúp; trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam (Bắc Giang), so với các hình thức khác, lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm khá ổn định, thủ tục vay nhanh gọn, phù hợp với nguyện vọng những hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất đang thiếu vốn. 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ giải ngân cho vay gần 18 tỷ đồng đối với 388 dự án phát triển sản xuất và 41 người đi xuất khẩu lao động.
Đa số các dự án cho vay theo hình thức hộ gia đình, sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống. Từ đó góp phần tạo việc làm mới cho hơn 700 lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam đã cho 202 hộ vay vốn với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam đã cho 202 hộ vay vốn với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình mới thoát nghèo hoặc thuộc diện chính sách khác. Để nâng hiệu quả nguồn vốn cho vay, Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam đã cán bộ xuống cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận ủy thác như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các tổ tiết kiệm để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã và lập danh sách báo cáo để phân bổ. Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn. Đồng thời, phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý kịp thời với các hộ bị rủi ro có nguyên nhân khách quan. "Để tăng hiệu quả sử dụng vốn cho vay, trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thẩm định chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch", đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam chia sẻ.
Nói về Nguồn quỹ giải quyết việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, nguồn quỹ giải quyết việc làm có ý nghĩa lớn với người dân bởi từ đồng vốn vay ưu đãi đó, họ có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng quy mô ngay tại địa phương. Nhiều người có sinh kế ổn định để tăng thu nhập, nhất là lao động trung tuổi khó tìm việc làm ở trong các doanh nghiệp. Cho đến thời điểm này, tình hình hỗ trợ người lao động và giải quyết việc làm của tỉnh Bắc Giang tiếp tục được triển khai có hiệu quả. Kết quả giải quyết việc làm 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ước tạo việc làm cho 16.668 lao động (trong nước là 14.748 người, xuất khẩu lao động là 1.920 người) đạt 56,1% kế hoạch và tăng 0,35% so với cùng kỳ.
Được biết, thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, tăng mức cho vay để giúp các gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động bị thu hồi đất vay vốn.
PV
TAG: