Trong giai đoạn vừa qua, các biện pháp nhằm tạo việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng đã được quan tâm thực hiện. Xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc thù, Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ khi tham gia thị trường lao động.
Theo đó, nhiều dự án việc làm được triển khai, thực hiện, đáp ứng nhu cầu việc làm cho lao động nữ như cho vay vốn giải quyết việc làm, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề dự phòng và chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động… Ở cấp địa phương, đã triển khai các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ dễ dàng tiếp cận thị trường lao động như mở các lớp đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, mở sàn giao dịch việc làm hàng tháng, hội chợ việc làm giới thiệu lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn và ngoài địa phương, phục hồi làng nghề...
Nhằm đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận với thông tin về việc làm. Trung bình mỗi phiên thu hút hàng chục doanh nghiệp và hàng trăm lao động tham gia. Quỹ quốc gia về việc làm tiếp tục là kênh giữ vai trò quan trọng trong tạo việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn. Các hoạt động hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được tích cực triển khai tạo điều kiện cho người lao động ở vùng nông thôn, vùng xâu, vùng xa có cơ hội được học nghề và tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó Quỹ cũng đã hỗ trợ cho nhóm thanh niên trong khởi sự doanh nghiệp, đặc biệt là nữ thanh niên thông qua kênh quản lý nguồn vốn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Thông qua triển khai đồng loạt các chương trình, giải pháp, trong 10 năm qua, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định từ 48% trở lên cho mỗi giới. Theo thống kê, tính chung giai đoạn 2011 - 2015, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 7,815 triệu lao động trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48% tổng số việc làm được tạo ra của cả nước. Nhiều địa phương, tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới năm 2015 đạt tỷ lệ hơn 60% như Bắc Ninh (67%), Thái Bình (62,8%), Đồng Nai (68%). Từ năm 2011 đến nay, hàng năm, có khoảng từ 80.000-100.000 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tập trung chủ yếu tại các thị trường như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... trong đó, 35- 40% là nữ giới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; đồng thời tạo điều kiện cho lao động nữ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, hội nhập và rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật trong lao động sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác việc làm cho lao động nữ cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa đảm bảo tính bình đẳng thực sự cho lao động nữ. Tại Báo cáo 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). Tình trạng nghỉ việc của lao động độ tuổi từ 35 trở lên tại các khu công nghiệp và chế xuất, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề lớn trong thị trường lao động hiện nay. Việc chuyển đổi nghề nghiệp và học nghề đối với nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ với nhiều cơ hội và thách thức về việc làm đối với lao động nữ, tuy nhiên đến nay chưa có sự chuẩn bị tốt các chính sách ưu đãi về đào tạo, nâng cao trình độ để lực lượng lao động nữ đáp ứng được yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Ngoài ra, điều kiện sinh hoạt của lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là lao động nữ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Hiện cả nước có 2,8 triệu lao động đang làm việc tại 324 khu công nghiệp, trong đó lao động nữ chiếm đa số. Phần lớn công nhân lao động đang phải sinh hoạt trong những khu nhà trọ với chỗ ở chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Các khu công nghiệp, khu chế xuất còn thiếu nhà trẻ, nhà mẫu giáo cho con công nhân, trạm y tế, nhà văn hóa, nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt tinh thần cho công nhân. Điều kiện sinh hoạt hạn chế, không đủ không gian sinh hoạt, nghỉ ngơi cho công nhân sau giờ làm việc, ảnh hưởng đến sự hồi phục, tái tạo sức lao động. Mặt khác, một bộ phận các doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân tại nơi làm việc, nhiều nữ công nhân ít được tiếp cận thông tin, các hoạt động văn hóa, xã hội.
Theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO, 2015) cho thấy các thông tin tuyển dụng việc làm tại Việt Nam vẫn còn đề cập đến các tiêu chuẩn về giới tính. Việc đưa yếu tố giới vào các mẩu tin đăng tuyển nhân sự, các yêu cầu về trình độ và năng lực cho vị trí tuyển dụng sẽ bị ảnh hưởng bởi những thành kiến dựa trên giới tính. Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cũng chỉ ra có sự khác biệt trong điều kiện tuyển dụng đối với nam và nữ, đa phần nam giới phải cam kết không tham gia các tệ nạn xã hội trong khi phụ nữ phải cam kết không sinh con trong thời gian thử việc hoặc trong 01-02 năm đầu làm việc.
Và trên thực tế, lao động nữ khi tham gia tuyển dụng gặp khá nhiều rào cản: về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm; các quy định về tiền lương và tiền công bảo đảm được tính công bằng không có sự phân biệt đối xử về giới, song, trung bình tiền lương chính của lao động nữ vẫn thấp hơn so với lao động nam do nữ giới có trình độ trung bình thấp hơn so với nam giới nên phải làm những công việc có lương thấp hơn so với nam. Theo số liệu điều tra lao động, tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp năm 2016, tiền lương bình quân năm 2015 của nam là 5,416 triệu đồng/tháng trong đó nữ là 5,259 triệu đồng/tháng (97% so với nam giới); vẫn có sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cả trong quy định của pháp luật, tuổi nghỉ hưu bình quân của nam là 54,8 tuổi (so với 60 tuổi) và nữ là 49,2 tuổi (so với 55 tuổi), do vậy, lao động nữ sẽ ra khỏi cuộc đời lao động sớm hơn lao động nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có những quy định bảo vệ lao động nữ với mục tiêu hướng đến là tốt, nhưng có thể dẫn đến phân biệt đối xử trên thực tế như cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nhưng đến nay chúng ta thấy đó lại là những quy định thể hiện định kiến giới như chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm… chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam.
Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong thời gian vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cùng với các tổ chức và các bên liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên gia, hội thảo tham vấn về các chế định chuyên sâu, trong đó có nội dung về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật, lấy ý kiến của công đoàn, người lao động, giới chủ sử dụng lao động…
Dự kiến tại kỳ họp lần thứ 8 (tháng 10-11/2019), Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua. Dự thảo hướng tới việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013; đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế). Bên cạnh đó, Dự thảo Bộ luật cũng hướng tiếp cận vấn đề bình đẳng giới theo hướng hiện đại, trao quyền tự quyết cho lao động nữ, bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế với các biện pháp, quy định cụ thể, khả thi./.
Đăng Doanh