Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thừa Thiên Huế: Triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng
04:23 PM 20/07/2021
(LĐXH) – UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện và đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 9/2021.
Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TT ngày 22/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam; Quyết định số 1000/QĐ-UBND ngày 16/ 4/ 2020 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Công văn số 288/LĐTBXH-KHTC ngày 05/2/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; ngày 19/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh qua hệ thống Bưu điện và đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thăm mẹ Việt Nam anh hùng
Việc thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng người có công được tiếp cận, sử dụng và được chi trả trợ cấp thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý và thực hiện chi trả trợ cấp hiện nay. Đồng thời, ngày càng hoàn thiện tốt hơn việc chi trả trợ cấp, góp phần thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và dịch vụ công, xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả và minh bạch.
Theo đó, Kế hoạch triển khai các nội dung sau: 
Xây dựng Đề án, phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả, đẩy mạnh các giải pháp không sử dụng tiền mặt, thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả (bằng tiền mặt, qua tài khoản ngân hàng, tài khoản số ...) đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã. Đối với các trường hợp đối tượng đặc biệt (đau ốm, già yếu không có người để ủy quyền, không thể sử dụng được điện thoại.., Bưu điện có trách nhiệm chi trả tại nhà cho đối tượng).
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, Người có công, gia đình người có công và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng  qua hệ thống Bưu điện. Xây dựng tài liệu và tập huấn hướng dẫn về quy trình chi trả qua hệ thống Bưu điện đẩy mạnh không sử dụng tiền mặt; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện.
Tổ chức đăng ký phương thức chi trả và rà soát/cập nhật bổ sung thông tin (CMND/CCCD, số điện thoại). Tổ chức cho đối tượng, người được ủy quyền đăng ký hình thức chi trả, đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại di động, cung cấp giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để mở tài khoản...bảo đảm đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn có đủ giấy tờ để mở tài khoản cho mình hoặc cho người được ủy quyền (nếu đủ điều kiện). Rà soát, đối chiếu, phân loại danh sách đối tượng trả tiền mặt, đối tượng đảm bảo đủ điều kiện mở tài khoản, danh sách đối tượng thiếu giấy tờ có liên quan cần bổ sung; danh sách người được ủy quyền đủ điều kiện mở tài khoản, danh sách người được ủy quyền thiếu giấy tờ có liên quan để hướng dẫn bổ sung. Cấp mới, cấp đổi giấy Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho đối tượng thụ hưởng, người được ủy quyền trong diện được cấp chưa có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để đảm bảo đủ điều kiện để mở tài khoản.
Thăm cán bộ lão thành cách mạng tại Trung tâm điều dưỡng người có công
Mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện: Cơ quan Bưu điện phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã tổng hợp danh sách đăng ký để mở tài khoản cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền hưởng chính sách Người có công. Tổ chức cấp phát thẻ và hướng dẫn đối tượng hoặc thân nhân đối tượng sử dụng thẻ an toàn.
Thực hiện chi trả cho đối tượng: Hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương chuyển danh sách người có công dưới dạng điện tử (danh sách chi trả trong tháng, danh sách tăng, giảm, điều chỉnh nếu có được trích xuất từ phần mềm Quản lý tài chính trợ cấp ưu đãi người có công) đến Bưu điện cùng cấp để thực hiện chi trả chế độ ưu đãi Người có công vào tài khoản ngân hàng, tài khoản số của đối tượng. Trường hợp đối tượng không thể giao dịch bằng phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt thì thực hiện chi trả bằng tiền mặt cho đối tượng.
Quy định mới về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
Ngày 24/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624.000 đồng (mức chuẩn). Cụ thể, hàng tháng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp 4.872.000 đồng; mức trợ cấp đối với Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến là: 1.361.000 đồng; …
Các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng bao gồm: bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng cần thiết; hỗ trợ ưu đãi giáo dục tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ; hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ...
Cụ thể, mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tại nhà bằng 0,9 lần mức chuẩn/01 người/01 lần chi trả trực tiếp cho đối tượng được hưởng. Mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung bằng 1,8 lần mức chuẩn/01 người/01 lần, gồm các tiền ăn trong thời gian điều dưỡng, thuốc thiết yếu, quà tặng và các khoản chi khác như khăn mặt, xà phòng, bàn chải, tham quan…
Ngoài mức hỗ trợ mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, người có công với cách mạng còn được hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi đi làm phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hỉnh (mỗi niên hạn 01 lần) hoặc đi điều trị phục hồi chức năng theo chỉ định. Mức hỗ trợ là 5.000 đồng/01km/01 người tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật cung cấp dụng cụ chỉnh hình, nhưng tối đa 1.400.000 đồng/người/01 niên hạn.
Ngoài ra, hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ với mức hỗ trợ tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ là 3.000 đồng/01 km/01 người.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2021.
Hà Giang
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên