Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Thừa Thiên Huế: Phấn đấu hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho hơn 1.600 hộ người có công
02:08 PM 28/07/2021
(LĐXH) - Sau 7 năm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xây mới, sửa chữa nhà cho khoảng 5.000 hộ người có công trên địa bàn.
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với giải quyết tốt an sinh xã hội; đặc biệt là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng, đảm bảo tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên – Huế, chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg đã khẳng định sự ưu tiên chăm lo, đảm bảo nhà ở đối với người có công. Quá trình thực hiện đã tạo nên sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của những người có công, khó khăn về nhà ở, tạo sự phấn khởi trong nhân dân, củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chính sách này cũng được người dân hưởng ứng tích cực, tạo điều kiện để các tổ chức huy động nguồn vốn tập trung, nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết…; giúp các địa phương nâng cao chất lượng nhà ở dân cư, hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng khó khăn.
Ngôi nhà khang trang được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Tính đến cuối năm 2020, toàn tỉnh hoàn thành việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1 và 2. Tổng số hộ theo đề án hỗ trợ người có công về nhà ở được phê duyệt, thẩm tra là 5.264 hộ; trong đó, 1.140 hộ xây mới và 4.124 hộ sửa chữa với tổng kinh phí Trung ương và UBND tỉnh đã cấp theo đề án được phê duyệt, thẩm tra là 128,08 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 115,272 tỷ đồng (90%), ngân sách tỉnh là 12,808 tỷ đồng (10%).
Trong 2 giai đoạn này, có 4.839 hộ được hỗ trợ; trong đó, 1.036 hộ xây mới và 3.800 hộ sửa chữa. Tổng kinh phí ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 117,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 425 hộ đưa ra khỏi đề án do hộ đơn thân đã chết; hộ không đủ khả năng bù thêm kinh phí để thực hiện nên tự nguyện xin rút; hộ đã được các tổ chức, cá nhân, đoàn thể khác hỗ trợ xây dựng nhà ở; hộ điều chỉnh hình thức xây dựng từ xây mới xuống sửa chữa... với tổng kinh phí dư thừa của các hộ đưa ra khỏi đề án là 10,58 tỷ đồng.
Thị xã Hương Trà là một trong những địa phương có số lượng lớn hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ năm 2013 đến nay, thị xã đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 495 căn nhà với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng, giúp các gia đình có nơi ở an toàn, thoải mái.
Đón khách trong căn nhà mới, ông Trương Dũng (73 tuổi, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà) không khỏi xúc động khi kể về thành quả ngôi nhà khang trang mà mình vừa dọn vào sinh sống và niềm vui khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, giúp đỡ. Là thương binh hạng 3 nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh, ông Dũng khó khăn lắm mới có thể nuôi lớn ba người con gái trưởng thành với nguồn thu nhập hạn hẹp từ số tiền trợ cấp hằng tháng. Vì vậy, ngôi nhà mới cao ráo, có tường ốp gạch, nền cao, sân rộng, được hỗ trợ xây dựng là “kỳ tích” trong đời đối với ông.
Chia sẻ với phóng viên, ông Dũng cho biết: Gia đình tôi có truyền thống cách mạng từ thời chống Pháp, thời bình được Nhà nước cấp đất nhưng hoàn cảnh khó khăn nên năm 1980 chúng tôi chỉ xây tạm nhà để ở. Căn nhà thời ấy cao vỏn vẹn hơn 2 mét, bao quanh là tường đất; mùa hè thì nóng như đổ lửa, mưa đến lại dột nước. Năm 2018, được hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà cùng sự góp sức của các thanh niên tình nguyện trong phường, ngôi nhà của gia đình tôi đã được thay áo mới, khang trang hơn rất nhiều. Từ nay, có ngôi nhà kiên cố, tôi yên tâm an cư lạc nghiệp, cố gắng nuôi gà, trồng cây ăn trái để dành dụm sửa thêm phần nhà bếp đang dần xuống cấp mà không trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tại xã Thủy Thanh (Thị xã Hương Thủy), trong năm 202, thực hiện giai đoạn 3 (2021-2023) Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, xã có 4 hộ người có công được hỗ trợ xây mới và 9 hộ được hỗ sửa chữa nhà ở. Giai đoạn 1 và 2, trên địa bàn xã có 55 trường hợp được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Nhiều gia đình người có công phải sống trong điều kiện nhà ở xuống cấp, ẩm thấp, bị ngập lụt, gió bão hư hại giờ đã yên tâm an cư, ổn định cuộc sống. Gia đình ông Nguyễn Ích Châu, thôn Vân Thê Nam, xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) rất vui mừng khi sau nhiều năm tích cóp và được Nhà nước hỗ trợ thêm 40 triệu đồng cho đối tượng hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở, ước mơ có được ngôi nhà ba gian khang trang của ông bà đã thành hiện thực.
Thực hiện giai đoạn 3 của Quyết định 22, ngày 28/8/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12 hỗ trợ về nhà ở đối với người có công trên địa bàn tỉnh phát sinh sau ngày 31/5/2017 (giai đoạn 3). Tổng số hộ gia đình người có công cần hỗ trợ về nhà ở phát sinh là 1.605 hộ. Trong đó, có 326 hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây mới; 1.279 hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở. Tổng kinh phí dự kiến 38,62 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công hàng năm của ngân sách tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 2023.
Do kinh phí của tỉnh đang khó khăn, để rút ngắn thời gian thực hiện, kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở đối với 1.605 hộ gia đình nằm trong kế hoạch giai đoạn 3, Sở LĐTB&XH đề nghị Bộ LĐTB&XH kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép tỉnh điều chỉnh nguồn kinh phí Trung ương đã cấp còn dư thừa từ giai đoạn 1 và 2 là 10,58 tỷ đồng thay thế cho các hộ nằm trong giai đoạn 3 hoặc bổ sung thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Các địa phương đang bắt tay tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành xây mới, sửa chữa cho hơn 1.600 hộ người có công còn khó khăn về nhà ở sớm an cư, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho người có công.
Khánh Quyên
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa