Ngày 30/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1211/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Cần Thơ đã bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện hàng năm và cả giai đoạn đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Các sở ngành, địa phương được phân bổ vốn thực hiện Chương trình đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia, từ đó giúp cho người nghèo giảm mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dự án 6 về truyền thông và giảm nghèo về thông tin của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh bao gồm: Tiểu dự án 1 về giảm nghèo về thông tin; Tiểu dự án 2 về truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Tiểu dự án 1 - Giảm nghèo về thông tin được phân bổ kinh phí thực hiện từ năm 2022- 2024 là 8,456 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 7,943 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng là 513 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, năm 2023, Sở Thông tin và truyền thông đã đầu tư thiết lập mới 06 đài truyền thanh xã đã xuống cấp, hết thời gian khấu hao (thực hiện chuyển đổi truyền thanh không dây/FM sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông) và mua sắm mới 98 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông để mở rộng và thay thế cụm loa có dây, không dây FM bị hỏng, không còn sử dụng được sang cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông cho các ấp thuộc 06 xã đảo trên địa bàn tỉnh: xã Hòa Minh, Long Hòa thuộc huyện Châu Thành; xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải và thị trấn Long Thành thuộc huyện Duyên Hải.
Năm 2024, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện thủ tục lựa chọn nhà thầu sản xuất, phát sóng 20 chương trình phóng sự tài liệu thời lượng 10 phút (có biên dịch và phụ đề tiếng Khmer) phát trên kênh truyền hình đối ngoại Trung ương và Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Trà Vinh và sản xuất 19 chương trình phát thanh thời lượng 05 phút (có biên dịch sang tiếng Khmer) phát trên hệ thống đài truyền thanh và chuẩn bị các nội dung tổ chức 04 lớp (mỗi lớp 2 ngày) tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông. Cuối năm 2024, tổng vốn giải ngân đạt 85%.
Tiểu dự án 2 - Truyền thông về giảm nghèo đa chiều được cấp kinh phí thực hiện từ năm 2022- 2024 là 3,423 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 3,408 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng 15 triệu đồng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 126 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo cho 6.029 người tham dự và in, cấp phát 13.300 tờ rơi tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình phát sóng 05 phóng sự chuyên mục giảm nghèo, mô hình thoát nghèo bền vững và lắp đặt 12 bảng pano, áp phích tuyên truyền về công tác các nội dung giảm nghèo và ký hợp đồng với Công ty TNHH TMDV A2N MEDIA để viết bài đăng và xây dựng 04 video clip truyền thông về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Việc nỗ lực thực hiện các giải pháp thông tin, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng truyền thanh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã giúp người nghèo nắm được các thông tin, chính sách và học hỏi những mô hình hay, cách làm tốt, từ đó, nâng cao nhận thức và quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Những thông tin, khoa học kỹ thuật từ hệ thống thông tin tại cơ sở đã giúp người dân nâng cao hiểu biết và áp dụng vào sản xuất và quá trình chăm sóc cây trồng vật nuôi, giúp người dân biết làm ăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm 2024, toàn tỉnh Trà Vinh thực hiện giảm 0,3% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 so với năm 2023 (tương đương giảm 864 hộ)
Trong thời gian tới, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu đối với Tiểu dự án 1 - Giảm nghèo về thông tin là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở; đảm bảo 100% xã có hệ thống đài truyền thanh hoạt động, phục vụ tốt cho công tác thông tin, tuyên truyền và quản lý, điều hành tại địa phương; tăng cường thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, bao gồm thông tin về kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh; truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững.
Đối với Tiểu dự án 2 - Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội./.
Mỹ Hằng