An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Lạng Sơn: Thực hiện đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm bền vững, giúp người nghèo ổn định cuộc sống
10:15 AM 15/04/2025
(LĐXH)-Từ những chính sách linh hoạt của Trung ương và địa phương, tỉnh Lạng Sơn đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tiếp cận học nghề và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, có việc làm ổn định để từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Tổng kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 -2025 của tỉnh Lạng Sơn là trên 1.149 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2024, Chương trình   bố trí vốn ngân sách nhà nước là 875,762 tỷ đồng, dự kiến bố trí năm 2025 là 273,421 tỷ đồng. Cụ thể, các nguồn vốn giai đoạn 2021 – 2024 bao gồm: Ngân sách trung ương là 844,202 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 447,071 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 367,131 tỷ đồng); Ngân sách địa phương là 31,56 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển: 20,564 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 10,996 tỷ đồng). Cùng với đó, tổng nguồn huy động khác đầu tư cho Chương trình từ tháng 7/2021 đến hết năm 2024 là trên 1.869 tỷ đồng, ước giai đoạn 2021-2025 huy động là trên 2.822 tỷ đồng.

Tỉnh đã tập trung nguồn vốn vào 7 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn đã giải ngân trong giai đoạn 2021 – 2024 là 680,231 tỷ đồng. Ước thực hiện giải ngân năm 2025 là 273,421 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn. Kết quả giải ngân vốn và việc thực hiện các dự án của Chương trình rất khả quan và đạt kết quả tích cực, trong đó có Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được chú trọng thực hiện đã giúp người nghèo được đào tạo nghề, tiếp nhận thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Lớp dạy nghề cho bà con dân tộc tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện 3 Tiểu dự án, cụ thể là: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ việc làm bền vững. Trong giai đoạn 2021-2024, Tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã thực hiện giải ngân 46,9 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương và 859 triệu đồng nguồn vốn của địa phương. Từ nguồn vốn này, đã có 03 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; và các địa phương trong tỉnh đã mở được 72 lớp với 2.428 người được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tiểu dự án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giải ngân 3,568 tỷ đồng nguồn vốn Trung ương, đạt 96,4% và 111 triệu đồng nguồn vốn địa phương, đạt 100%. Nguồn kinh phí này được sử dụng vào các hoạt động như: hỗ trợ đào tạo cho 388 người lao động được hỗ trợ đào tạo 388 người; tư vấn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho 560 người lao động và thân nhân; hỗ trợ chi phí khác trong quá trình đào tạo (ăn, sinh hoạt phí, ở, đi lại, trang cấp) và làm các thủ tục xuất cảnh (khám sức khỏe, thị thực, hộ chiếu) cho 52 người; hỗ trợ xuất cảnh và đã xuất cảnh (đi Nhật Bản) cho 155 người.

Tiểu dự án hỗ trợ việc làm bền vững đã giải ngân 25,915 tỷ đồng nguồn vốn trung ương và 588 nguồn vốn địa phương để thực hiện việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Kết quả, các địa phương và cơ quan trong tỉnh đã thực hiện 1.711 phiên giao dịch, ngày hội, hội chợ việc làm; số người sử dụng lao động được thu thập, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc là 22.348 người; số người tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc là 9.617 người.

Qua đánh giá, việc sử dụng vốn của các Tiểu dự án luôn đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, người lao động thuộc các hộ gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn  hình, dự án được tập huấn, đào tạo nghề, nắm được tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tư vấn về việc làm, đi xuất khẩu lao động để nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào công tác giải quyết việc làm của tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp được 20.716 học viên. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%. Số lao động được giải quyết việc làm mới là 18.500 lao động, đạt 100% kế hoạch; số lao động đi làm việc ở nước ngoài ước đạt 1.200 người, đạt tỷ lệ 109,09% so với kế hoạch.

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia các tiểu dự án đã giải quyết được mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình, trong đó có chiều thiếu hụt về việc làm. Cụ thể, kết quả thực hiện chỉ tiêu mức độ thiếu hụt về việc làm đến cuối năm 2024 là: toàn tỉnh có 8.232 hộ gia đình/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một người không có việc làm hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động, chiếm 21,77%; có 7.819 hộ gia đình/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%, chiếm 20,68%.

Những kết quả của Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng biên giới. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021 toàn tỉnh có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2%, số hộ cận nghèo là 23.247 hộ, chiếm 12,06%; năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 3,36% (giảm 2,66% so với năm 2023), đạt 88,7% so với mục tiêu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh đề ra (giảm 3%), tuy nhiên đã vượt mục tiêu theo Quyết định số 934/QĐ-TTg ngày 06/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân giai đoạn 2021 - 2024, giảm tỷ lệ hộ nghèo là 2,95%/năm, đạt 98,33% mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Năm 2025, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quán triệt trách nhiệm và vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội giúp đỡ người nghèo mới có thể thành công; thực hiện quyết liệt ngay từ giai đoạn lập kế hoạch chung cũng như từng dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và có sự phân công trách nhiệm cho cơ quan, người chủ trì thực hiện; kịp thời phân bổ kinh phí chi tiết cho từng dự án, nội dung, trong đó đẩy mạnh hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nghề nghiệp với giải quyết việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo./.

Mỹ Hạnh

 

TAG:
Tin khác
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cảnh báo về tình trạng mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10/2025
Thành phố Tuy Hoà: Đa dạng hóa nguồn lực xã hội xóa nhà tạm, nhà dột nát
TPHCM long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025
Tăng cường phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vì 'Khởi đầu khỏe mạnh, tương lai tươi sáng'
Chuyên gia thẩm mỹ Phượng Kồng Kông: Tấm lòng vàng hướng về quê hương
Lão nông thu 15 tỷ đồng mỗi năm từ trồng sầu riêng
Quận 6 điểm sáng trong công tác giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh
Huyện Đam Rông: Đồng bào vùng khó nỗ lực phát triển kinh tế