An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Thái Nguyên: Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đạt và vượt so với mục tiêu được giao
10:25 AM 17/04/2025
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tính đến cuối năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đã giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 1,14%, đạt và vượt so với mục tiêu của tỉnh và Chính phủ giao; hoàn thành vượt kế hoạch giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; giải quyết kịp thời các chiều thiếu hụt đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trao kinh phí hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Võ Nhai 
Nguồn lực thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG giảm nghèo được bố trí đầy đủ, đảm bảo để triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cơ sở. Ngoài nguồn vốn của trung ương, tỉnh còn đối ứng ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) và đóng góp của các hộ dân và xã hội hoá.
HĐND tỉnh, UBND tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn đã ban hành đầy đủ các văn bản theo quy định của Chương trình. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được tiếp cận, tham gia các hoạt động của các dự án thành phần như: được hỗ trợ về giống vật nuôi, cây trồng, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; được tham gia các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm; tiếp cận thông tin về Chương trình; được tham gia bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
Kết quả thực hiện các dự án đã góp phần tạo việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm, qua đó 02 huyện (Phú Bình, Đại Từ) đạt chuẩn nông thôn mới và nâng tổng số xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là 129 xã.
Tổng kinh phí đã phân bổ giai đoạn 2021-2024 cho tỉnh Thái Nguyên thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 211,9 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển 10,2 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp 201,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được phân bổ, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các dự án của Chương trình, trong đó đối với Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đã triển khai tổng số 122 dự án, mô hình (106 mô hình, dự án chăn nuôi; 16 mô hình, dự án trồng trọt). Tổng số lao động tham gia là 2.888 người, trong đó 1.095 thuộc hộ nghèo; 925 thuộc hộ cận nghèo; 745 thuộc hộ mới thoát nghèo; 27 người khuyết tật không có sinh kế ổn định; 96 người có kinh nghiệm.
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Dự án 3. Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó đối với Tiểu dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Thái Nguyên đã xây dựng, phê duyệt là 62 dự án, trong đó loại hình chăn nuôi là 44 dự án, trồng trọt là 18 dự án. Tổng số lao động tham gia là 2.420 người, trong đó lao động thuộc hộ nghèo là 982 người, thuộc hộ cận nghèo là 795 người, thuộc hộ mới thoát nghèo là 418 người và người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi là 45 người.
Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm thực hiện Dự án 4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Từ năm 2021-2024, thông qua các chương trình, dự án, tỉnh Thái Nguyên đã đào tạo nghề cho 12.022 người, trong đó 5.085 người học nghề phi nông nghiệp; 6.937 người học nghề nông nghiệp. Trình độ đào tạo sơ cấp 5.367, đào tạo thường xuyên 6.655. Đối tượng lao động đào tạo gồm: 274 người thuộc hộ nghèo; 301 người thuộc hộ cận nghèo; 8.107 người dân tộc thiểu số; 3.338 đối tượng khác.
Về Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững, tỉnh triển khai các hoạt động như: hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, việc làm, học nghề đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (huyện Võ Nhai) với 3.000 người tham gia; tổ chức 84 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền với 13.924 người tham gia; tổ chức 23 ngày hội việc làm ở cấp tỉnh và cấp huyện; tổ chức 45 phiên giao dịch việc làm tại cấp xã; in 4.400 cẩm nang; treo 90 băng rôn và 10 banner; 145 tin, bài; tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa được 16 buổi.
Về Dự án 6. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trong giai đoạn 2021-2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai tập huấn nâng cao năng lực công tác tuyên truyền cho 180 đại biểu cán bộ thông tin cấp huyện, cấp xã; 03 lớp tập huấn phương pháp viết và biên tập công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ thông tin công cộng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã... Các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, toàn tỉnh đã hỗ trợ giáo dục đào tạo cho 195.999 người, kinh phí 163 tỷ đồng; Hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất cho 138.944 lượt hộ với số tiền là 6.727 tỷ đồng; Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 452.916 lượt người; hỗ trợ tiền điện cho 55.518 hộ nghèo; hỗ trợ nhà ở cho 4.175 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo đánh giá, sở dĩ tỉnh Thái Nguyên đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo là do các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố đã chủ động, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình theo giai đoạn và từng năm để tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy vai trò của cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức triển khai thực hiện và hoạt động giám sát hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. 
Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như giáo dục, bảo hiểm y tế, vốn vay, tiền điện, nhà ở, nước sạch. Thực hiện các dự án thành phần như hỗ trợ phát triển sản xuất cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo sau 36 tháng; các dự án hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ về giảm nghèo. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện chương trình theo hướng tiếp tục phân cấp cho cơ sở, cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện trên cơ sở hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn./.
Hồng Phượng
TAG: Hộ nghèo
Tin khác
Lạng Sơn: Thực hiện đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm bền vững, giúp người nghèo ổn định cuộc sống
Hà Nội: Quý I/2025, doanh số cho vay các chương trình ủy thác tín dụng chính sách đạt 2.172 tỷ đồng
TikToker Quỳnh Trương: “Thiện nguyện xuất phát từ trái tim”
Thi đua tạo động lực xây dựng Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội  phát triển ổn định, bền vững
TPHCM: Sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Vinamilk tặng 50.000 hộp sữa cho thiếu nhi TPHCM nhân sự kiện 50 năm thống nhất đất nước
Hòa Bình phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước tháng 6/2025
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cảnh báo về tình trạng mua bán sổ BHXH trên mạng xã hội
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10/2025