Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thừa Thiên Huế: Gần 75 tỷ đồng chi trả trợ cấp thất nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2021
01:50 PM 22/08/2021
(LĐXH) - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 300 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, khoảng 7.500 lao động bị dừng hoặc mất việc làm. Đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.
Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ngoài lao động đang thất nghiệp tại địa phương, hiện có lực lượng lao động trở về từ các vùng dịch rất lớn. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng trên 15.000 lao động thực hiện cách ly và 4.000-5.000 người trong độ tuổi lao động trong số hơn 36.000 người trở về địa phương. Việc di chuyển lao động này vừa tạo cơ hội đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng cũng là một thách thức "giải quyết việc làm" với số lượng lớn trong và sau dịch.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giải quyết gần 5.200 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền gần 75 tỷ đồng. Hàng trăm lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp và có được công việc, thu nhập ổn định. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế còn thường xuyên tổ chức cung cấp, tư vấn thông tin cho người lao động để họ có thể tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm. Trung tâm cũng hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm kiếm vị trí công việc phù hợp cho từng đối tượng lao động. Tính đến tháng 8/2021, tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh 10.132 lao động (trong đó có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), đạt 63,3% so với kế hoạch đề ra.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống. (Ảnh minh họa) 
Qua tổng hợp, rà soát các doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, người lao động vẫn việc làm bình thường theo các phương án và các quy định về phòng chống dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm, số lao động làm việc tại các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 3.500 lao động so với đầu năm 2021, đời sống của công nhân, người lao động vẫn đảm bảo. Tính đến nay, có 5.182 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 33% so với cùng kỳ; 350 người được hỗ trợ học nghề, tăng 148% cùng kỳ năm 2020.
Tại hội nghị rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về những khó khăn trong công tác phòng chống dịch, một lượng lớn công nhân, các vị trí quan trọng có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 vẫn chưa được tiêm vắc xin phòng dịch.
Điển hình như Công ty Dệt may Thiên An Phát, doanh nghiệp hiện có 2.200 người, nhưng mới có 20 người được tiêm vắc xin mũi 1 và 139 người được công ty gửi danh sách lên Sở Y tế đã hơn 2 tháng vẫn chưa được bố trí tiêm. Bên cạnh đảm bảo 5K, test nhanh, đo thân nhiệt, khai báo y tế, xét nghiệm PCR, chi trả đủ 14 ngày tiền lương đối với những lao động bị cách ly (trên 15 ngày áp dụng hỗ trợ theo chính sách Nghị quyết 68)..., nhiều DN rất quan tâm đến nhu cầu được tiêm vắc xin. 
Ông Lê Tuấn Anh, đại diện Công ty CP Dệt may Phú Hoà An chia sẻ, với lực lượng lao động từ phía Nam trở về quê là cơ hội rất lớn cho đơn vị khi đang cần tuyển 1.000 lao động và kể cả các DN ngành may khác, vì cần sử dụng hơn 80% tổng cầu lao động. Nên, ngoài hỗ trợ, chia sẻ cùng DN trong các biện pháp phòng chống dịch, nhất là những lao động về từ vùng dịch, đơn vị muốn ngành lao động công khai danh sách, thông tin cụ thể, chi tiết về địa chỉ, nghề nghiệp, nhu cầu chuyển đổi nghề của NLĐ, để các DN tìm hiểu và chủ động liên hệ phỏng vấn, tuyển dụng.
Theo ông Đặng Hữu Phúc, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động nhưng chưa tuyển đủ hoặc có doanh nghiệp muốn giữ chân lao động nhưng lại bị ảnh hưởng dịch tác động.
Vừa qua, Công ty Scavi Huế “chào mời” các lao động đang sinh sống, làm việc ở ngoại tỉnh trở về bằng một số cơ chế hấp dẫn như: hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc; hỗ trợ "nóng" 5 triệu đồng đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức; áp dụng chính sách, mức lương tương ứng với trình độ tay nghề…Nhằm giúp đỡ, cải thiện đời sống của các công nhân có hoàn cảnh khó khăn yên tâm làm việc, công ty đang xây dựng 1.000 căn hộ liền kề phục vụ công nhân. Các lao động từ xa trở về sau khi được tuyển dụng cũng sẽ được hỗ trợ nơi ở nếu có nhu cầu. Hiện nay, Công ty CP Scavi Huế đang cần thêm 2.500 lao động đến cuối năm 2021; trong đó 2.000 lao động may, 500 lao động phổ thông, ngoài ra cần tuyển các vị trí quản lý có trình độ đại học trở lên. Đến năm 2022, đơn vị cần tuyển 4.500 thành viên, trong đó 3.000 lao động may, 1.500 lao động phổ thông. Để thu hút lao động, đơn vị đã có thư ngỏ và áp dụng chính sách hỗ trợ 8 triệu đồng cho mỗi lao động mới, trong đó hỗ trợ nóng 5 triệu đồng và 3 triệu đồng tiền lương tháng...
Trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động vào làm việc, chủ yếu là doanh nghiệp về lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông. Theo thống kê hiện nay, có 34 DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 7.669 lao động, tập trung các DN tại Khu kinh tế, công nghiệp như: Công ty SCAVI Huế; Công ty TNHH Công Nghệ Bảo Hộ Kanglongda Việt Nam; Công ty CP Dệt May Phú Hòa An; Chi Nhánh Huế - Công Ty CP Vinatex Quốc Tế; Công ty CP Hello Quốc Tế Việt Nam; Công ty TNHH chế xuất Billion Max Việt Nam, Công ty CP Chăn Nuôi C.P Việt Nam- CN Đông Lạnh Thừa Thiên Huế; Công ty CP Dệt May Thiên An Phú…
Ông Đặng Hữu Phúc thông tin, Sở Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế cũng đang phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về, đưa những lao động này nhanh chóng tham gia sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Sở sẽ tổ chức đào tạo nghề theo chuyên đề cho ngành may và chuyển đổi nghề nghiệp; đồng thời tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động hưởng các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
 Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024