Thành phố Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động
(LĐXH) Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá.
TP Thanh Hóa có dân số hơn 360 nghìn người, trong đó 208 nghìn người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,73%. Vì vậy, những năm gần đây thành phố đều đạt hoặc vượt chỉ tiêu tỉnh giao về giải quyết việc làm. Trong đó, năm 2017 là 25.000 lao động, năm 2018 là 28.866 lao động, tập trung chủ yếu là lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước giảm dần về số lượng, tăng dần về chất lượng. Tính đến hết năm 2018 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 83%, trong đó có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 25,5%.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ thành phố tiếp tục thực hiện Đề án “Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013-2020”; Đề án “Hỗ trợ khuyến khích một số lĩnh vực để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”. Đồng thời triển khai, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016–2020 và kế hoạch phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Tập trung phát triển công nghiệp, ngành nghề, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm nghề, làng nghề, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành có sản phẩm đặc trưng, thân thiện môi trường, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và phù hợp với đặc thù của thành phố, huy động các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm nghề, làng nghề. Trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, thành phố chỉ đạo chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (từ 2017 đến nay đã chuyển đổi được 273,5 ha), đồng thời xây dựng 3 vùng rau an toàn tại các xã Quảng Phú, Quảng Tâm và Thiệu Dương trên diện tích 3 ha nhà lưới.
Bên cạnh đó, việc điều tra thông tin về cung - cầu lao động được thành phố thực hiện kịp thời, chính xác, hiệu quả. Các điều tra viên đã đến từng hộ gia đình ở 37 phường, xã để cập nhật, thống kê nguồn cung (số người bước vào tuổi lao động, số người trong độ tuổi lao động, tình trạng thất nghiệp trong các hộ gia đình và biến động lao động - việc làm). Về cầu lao động, trên cơ sở thông tin các doanh nghiệp của năm trước, các điều tra viên đến từng doanh nghiệp trên địa bàn để cập nhật những thông tin thay đổi của doanh nghiệp và thu thập thông tin ban đầu đối với các doanh nghiệp tăng thêm. Bà Trần Thị Hương, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội UBND thành phố Thanh Hóa, cho biết: Qua công tác điều tra thì nhu cầu sử dụng nhiều lao động và thường xuyên tuyển lao động vẫn tập trung vào nhóm các doanh nghiệp dệt và gia công hàng may mặc. Trình độ lao động mà các doanh nghiệp hướng tới và có nhu cầu tuyển dụng là lao động kỹ thuật, lao động đã qua đào tạo nghề với thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,2 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy để có nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kêu gọi xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm cho người lao động.
Cùng với giải quyết việc làm tại chỗ, thành phố coi xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài việc phối hợp tăng cường tuyên truyền về chủ trương, lợi ích cũng như các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thành phố giao chỉ tiêu cho các phường, xã để thực hiện. Chỉ đạo các phường, xã đấu mối với các doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức các hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động, giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, nhiều đơn hàng được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động về tuyên truyền, tuyển dụng để người lao động nắm bắt lựa chọn ngành nghề, thị trường, mức phí, lương, thời hạn làm việc... phù hợp. Do đó số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn thành phố mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2017 có 584 người đi xuất khẩu lao động thì năm 2018 tăng lên 620 người, nâng số người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên 1.204 người.
Thực hiện chương trình cho vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm, trong giai đoạn từ 2017 đến tháng 3-2019, thành phố cho vay tổng doanh số đạt trên 24 tỷ đồng, với 866 lượt khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh có vốn để tạo việc làm, duy trì việc làm cho 1.299 lao động. Nhiều mô hình vay vốn phát huy hiệu quả, tạo việc làm, duy trì việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Điển hình như: Công ty TNHH Vĩnh Quang tạo việc làm thường xuyên cho 105 lao động; Nhà may Sáu Sài Gòn tạo việc làm và duy trì việc làm cho 30 lao động; Công ty TNHH Thương mại công nghệ Điện tử - Tin học G8 tạo việc làm ổn định cho 35 lao động... với thu nhập bình quân từ 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống. Đặc biệt việc hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút, tạo việc làm, duy trì việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động nữ, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.
Quang Tuấn
TAG: