Thành phố Huế: Quan tâm, hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi dịch covid- 19
(LĐXH) - Cùng với các hoạt động chăm lo đời sống cho người có công và gia đình chính sách, thời gian qua TP. Huế triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID- 19...
Năm 2021, sau khi dịch COVID- 19 bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trong cả nước, người lao động trên địa bàn TP. Huế gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm. Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân, đặc biệt là cư dân khu vực Thượng Thành trong “cuộc di dân lịch sử” vừa di dời đến nơi ở mới, thành phố Huế đã phối hợp với Nhà máy may Thiên An Phú hoạt động tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm. Đây là dịp để doanh nghiệp (DN) và người lao động gặp nhau, trao đổi thông tin, tạo cơ hội việc làm, đồng thời nắm bắt nguyện vọng của người dân.
Chị Nguyễn Thị Hồng, phường Hương Sơ phấn khởi: “Sau khi di dời từ phường Thuận Lộc ra sinh sống tại khu dân cư Bắc Hương Sơ, do thay đổi địa điểm nên công việc không ổn định cùng với dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp nên thu nhập của 2 vợ chồng bấp bênh. Sau khi tham gia hội nghị tư vấn việc làm, hiện cả 2 vợ chồng vào làm công nhân ở Cụm công nghiệp An Hoà nên hiện cuộc sống khá ổn định”.
Một trong những khó khăn khiến số lượng người lao động trên địa bàn mất việc nhiều là do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 nên kế hoạch đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khó thực hiện, hoạt động dịch vụ - du lịch ảnh hưởng nặng dẫn đến nhiều ngành nghề như kinh doanh hàng lưu niệm quà tặng, nhà hàng ăn uống, bán hàng lưu động… giảm sút kinh doanh, thậm chí tạm đóng cửa.
Cụm Công nghiệp An Hòa tăng cường sản xuất, kinh doanh
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID- 19 theo Nghị quyết số 42 và 154 của Chính Phủ, tính đến hết tháng 5/2021, TP. Huế đã phê duyệt và hỗ trợ cho 41.081 đối tượng với tổng số tiền trên 45,8 tỷ đồng. Trong đó, có 23.521 đối tượng thuộc diện người có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với tổng số tiền trên 28,2 tỷ đồng; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm trên 17,3 tỷ đồng; đối tượng xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng trên 17,4 tỷ đồng, người lao động nghỉ việc không hưởng lương 108 triệu đồng…
Từ đầu năm 2021 đến nay, thông qua các chương trình dạy nghề giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động thông qua sàn giao dịch việc làm, các kênh vay vốn… , UBND TP. Huế đã chỉ đạo, phối hợp hỗ trợ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 5.908 lao động, trong đó, đi xuất khẩu lao động 63 lao động, thông qua các nguồn vốn vay 1.821 lao động, 4.024 lao động vào các Doanh nghiệp làm việc.
Từ nay đến cuối năm, TP. Huế đẩy mạnh triển khai, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 sau khi các phường của 3 huyện, thị xã sát nhập vào TP. Huế theo Nghị quyết 1264. Trong đó, đưa chỉ tiêu giải quyết việc làm mới lên 9.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đoà tạo nghề từ 3 tháng trở lên đạt 75%, tỷ lệ phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm - ma tuý đạt 100%...
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, sắp tới, thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn tăng cường công tác tư vấn, tuyển sinh lao động tham gia học các ngành nghề có nhu cầu trên thị trường, thực hiện các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cho lao động thuộc đối tượng chính sách, bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, lao động tái định cư, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Ngoài ra, tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, nhất là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; thông qua các kênh vay vốn, chương trình dạy nghề, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động tại các sàn giao dịch việc làm… để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn...
N.K
TIN LIÊN QUAN
TAG: