Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm
02:27 PM 20/01/2020
(LĐXH) – Năm 2019, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có bước phát triển tích cực. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Thành phố đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh lành mạnh, ổn định, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã góp phần tích cực vào kết quả chung của thành phố.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 54 trường đại học, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 82 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hơn 4 triệu lao động đã qua đào tạo. Ngoài ra, hệ thống giáo dục của thành phố còn có tổng cộng 2.283 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên với hơn 2 triệu học sinh, sinh viên, trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo… Đây là nguồn lực rất lớn mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm.
Năm 2019, thành phố đã giải quyết việc làm cho 315.486 lượt lao động
Trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, thành phố luôn chú trọng quan tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Năm 2018, thành phố đã đào tạo nghề cho 298.738 lao động (đạt 166% kế hoạch), đưa tổng số người đang làm việc đã qua đào tạo lên 3.659.453/4.473.118 lao động (tỉ lệ 82%); công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề đạt 482.699 học viên. Trong đó, có 11.875 lao động nông thôn và 12.040/17.152 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được đào tạo nghề. Riêng năm 2019, số lao động đang làm việc đã qua đào tạo là trên 247.300/180.000 người (đạt 137,34% kế hoạch năm), nâng tổng số lao động đã qua đào tạo là trên 3.900.000/4.600.000 người (đạt 84,79% kế hoạch); chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn của Asean, tỷ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt 84,56%. Nhìn chung, việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo song hành đạt khoảng 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có chất lượng và có việc làm, đáp ứng nguồn lao động có chất lượng cao, góp phần tăng năng suất lao động gần gấp 3 lần so với cả nước.
Nhằm giúp cho người học sau khi được đào tạo sẽ có nhiều kiến thức và kỹ năng nghề để tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới, thành phố luôn chú trọng đầu tư tập trung đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo… vào các trường nghề chất lượng cao và trường có các ngành, nghề trọng điểm. Đồng thời, chuyển mạnh hướng đào tạo theo năng lực, chú trọng phát triển năng lực sáng tạo trong dạy và học; gắn kết chặt chẽ đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; tổ chức nhiều sàn giao dịch, ngày hội việc làm gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2019, thành phố đã giải quyết việc làm cho 315.486/300.000 lao động (đạt 105,1%) và tạo việc làm mới cho 136.285/130.000 chỗ làm việc (đạt 104,8%); kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị tại thành phố còn 3,68%. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ chí Minh cũng đã giới thiệu việc làm cho 127.867/155.000 lượt người (đạt 82,49% kế hoạch năm); Nhận việc làm cho 72.200/87.000 lượt người (đạt 82,05% kế hoạch năm); số bộ đội xuất ngũ nhận được việc làm tính đến hết tháng 8 là 480 người. Ước tính đến năm 2020, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở TPHCM giảm xuống dưới 3,7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X giao.
Ước tính đến năm 2020, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở TPHCM giảm xuống dưới 3,7%
Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm còn tổ chức đào tạo nghề lái xe B2: 900/1.200 học viên (đạt 75% kế hoạch năm); Tin học 920/1.100 học viên đạt 83, 64% kế hoạch năm (tin học ứng dụng 430 học viên, thiết kế đồ họa 490 học viên); Nghiệp vụ bán hàng: 2.525/2.500 học viên (đạt 101% kế hoạch năm). Ngoài ra, Trung tâm còn đào tạo học viên Tiếng Hàn trong giao tiếp, Tiếng Anh giao tiếp trong bán hàng… cho người lao động có nhu cầu.
Xác định công tác xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, thành phố đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp từ thành phố đến quận huyện, trong đó, chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng và chủ động thực hiện các nhóm giải pháp trong công tác phòng ngừa và giải quyết các cuộc tranh chấp lao động, đình công xảy ra trên địa bàn.
Đến nay, thành phố đã có 4.410 lượt doanh nghiệp xây dựng mới thỏa ước  lao động tập thể; 15.221 doanh nghiệp rà soát, xây dựng thang, bảng lương; và hơn 2.800 lượt doanh nghiệp xây dựng mới nội quy lao động. Ngoài ra, việc triển khai Đề án Phát triển quan hệ lao động tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2020 đã mang lại kết quả tích cực, số vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công giảm rõ rệt (từ năm 2015 đến năm 2018 số vụ đình công, lãn công giảm đáng kể theo từng năm). Riêng trong năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 15 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công với tổng số người tham gia là 6.609 người, giảm 10 vụ và giảm 176 người tham gia so với cùng kỳ năm 2018.
Đạt được một số kết quả trên là do thành phố thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên lao động. Công tác tuyên truyền pháp luật, hoạt động đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội, các doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên; thực hiện công tác giám sát, nắm bắt tình hình quan hệ lao động, chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công. Các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người    lao động trên địa bàn, nhất là ở các khu chế xuất - khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động được quan tâm nhiều hơn.
Tuy nhiên, tình hình quan hệ lao động ở TPHCM trong năm 2020 và những năm tiếp theo vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân là do thành phố có mật độ tập trung công nghiệp cao nhất cả nước, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến việc làm, lao động, những thay đổi trong pháp luật về lao động theo các chuẩn mực quốc tế… trong đó, có nhiều điểm “rất mới” liên quan đến quan hệ lao động sẽ tạo ra thách thức trong tương lai. Bên cạnh đó, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố, nhu cầu của xã hội; vẫn còn tình trạng thiếu lao động tại một số thời điểm, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực, ngành nghề trọng yếu; Năng lực phân tích, dự báo nguồn nhân lực, thị trường lao động vẫn còn hạn chế, chưa toàn diện. Nguyên nhân chính là do nguồn cơ sở dữ liệu phân tán, khó thu thập, từ đó xử lý chưa đồng bộ và toàn diện, nhất là dự báo dài hạn. Một số chính sách liên quan đến hỗ trợ lao động dịch chuyển chưa cụ thể.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, để nâng cao chất lượng đào tạo, từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Xây dựng 12 trường có chất lượng cao; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra. Trong đó, thành phố sẽ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động trong tình hình mới theo tinh thần của Chỉ thị 37-CT/TW ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Bí thư. Chủ động rà soát, củng cố hệ thống thiết chế quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể; cải thiện, phát triển các yếu tố môi trường kinh tế - văn hóa- xã hội có          tác động đến quan hệ lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp trong chăm lo tốt hơn đời sống cho người lao động. Ngoài ra, thành phố sẽ tổng kết thực hiện Đề án Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn
thành phố giai đoạn 2014 - 2020 để rút kinh nghiệm và trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với dự báo tình hình của thành phố để xây dựng những giải pháp phù hợp cho giai đoạn 2021 - 2025.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, TPHCM tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn kịp thời, đồng bộ để thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn, triển khai đưa Bộ luật Lao động năm 2019
đi vào cuộc sống. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố trong việc tổng kết, xây dựng Đề án Phát triển quan hệ lao động cho giai đoạn tiếp theo, nhằm đưa quan hệ lao động trên địa bàn thành phố ngày càng hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật