Hà Nội: Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động
(LĐXH) - Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đảm bảo đủ số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, góp phần giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.
Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, thành phố Hà Nội đã ban hành các văn bản liên quan như: Nghị quyết số 23/2013/NQ-HĐND thông qua “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 10/9/2014, trong đó nêu rõ các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đối với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố, nhất là các trường cao đẳng nghề. Đồng thời, xây dựng 6 giải pháp trọng tâm, cách thức tổ chức thực hiện, phân công rõ trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 28-CTr/TU của Thành ủy với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Tính đến cuối năm 2019, thành phố Hà Nội có 370 đơn vị trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 123 cơ sở công lập, 247 cơ sở ngoài công lập. Trong năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo cho 205.000/205.000 người, đạt 100% kế hoạch Trong đó, trình độ cao đẳng là 28.700 người; trung cấp là 38.900 người; sơ cấp, dưới 03 tháng là 137.400 người với gần 15.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật cuối năm 2019 đạt 67,51% (trong đó, khu vực thành thị đạt 79,6; khu vực nông thôn đạt 54,77%). Giải quyết việc làm cho 192.000/154.000 lao động, đạt 124,6% kế hoạch. Tỷ lệ thất nghiệp chung của thành phố giảm còn 1,7% (trong đó, khu vực thành thị là 2,22%, khu vực nông thôn là 1,16%), tăng 0,96% so với năm 2018 (trong đó, có 28.300 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho 31.000 hộ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền khoảng 1.188 tỷ đồng; 21.100 lao động được tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức; đưa 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng).
Nhằm phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, thành thạo kỹ năng đáp ứng ngay quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động, đồng thời để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế, việc xây dựng và phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng là một trong những giải pháp quan trọng đã được thành phố Hà Nội tích cực triển khai thực hiện. Năm 2017, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 15/3/2017 về việc thí điểm đào tạo gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập trực thuộc. Theo đó, hàng năm thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tích cực thực hiện công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cơ hội việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp. Trong năm 2019, có 828 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo với nhiều nội dung, hình thức liên kết, trong đó, có 355 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo và tuyển dụng ngay học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp 45.600 người; 66.900 học sinh - sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn xây dựng phương án lao động cho 21 đơn vị, doanh nghiệp; tham gia giải quyết đình công, theo dõi và hướng dẫn tình hình thương lượng tập thể với người lao động tại 04 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hicel Vina; Công ty TNHH ELK Vina; Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân; Công ty TNHH VMEP… Phối hợp rà soát, kiểm tra việc ngừng hoạt động tại các lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố; tiến hành rà soát, thẩm định phương án lao động cho 04 đơn vị khi cổ phần hoá, sắp xếp lại doanh nghiệp. Tổ chức điều tra thu thập thông tin về tiền lương, tiền thưởng tại 150 doanh nghiệp; khảo sát và báo cáo tình hình sử dụng lao động giúp việc trên địa bàn. Thẩm định, quyết toán quỹ tiền lương thực hiện năm 2018, kế hoạch 2019 cho 20 doanh nghiệp. Tham mưu trình UBND Thành phố xếp lại hạng 03 doanh nghiệp. Thẩm định hồ sơ và trình UBND Thành phố bổ nhiệm hoà giải viên lao động của 20 quận, huyện. Thẩm định, trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND Thành phố cấp, gia hạn giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động 26 doanh nghiệp; Xem xét, ra thông báo đăng ký 1.018 bản Nội quy lao động và tiếp nhận 689 bản Thỏa ước lao động tập thể.
Đặc biệt, năm 2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, thu hút trên 5.000 học sinh, sinh viên với 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tư vấn tuyển sinh và trình diễn kỹ năng nghề, 24 doanh nghiệp tham gia ký kết hợp tác, 30 đơn vị tham gia tuyển dụng với hơn 1.000 chỉ tiêu lao động. Tại Hội nghị, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp cũng tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho gần 2.000 học sinh các trường phổ thông nhằm tăng hiệu quả công tác phân luồng học sinh phổ thông vào học nghề, giúp các em hiểu và thay đổi suy nghĩ “vào học đại học không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp”. Đến nay, Hà Nội đã có 100% các cơ sở giáo dục công lập thuộc thành phố thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh-sinh viên ra trường đều có việc làm sau khi tốt nghiệp. Tỷ lệ học sinh-sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 90%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, phát triển thị trường lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn gặp một số khó khăn, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nguyên nhân là do công tác này vẫn chưa thực sự gắn với đào tạo tại các doanh nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá tập trung, vùng có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới; chất lượng đào tạo chưa như mong muốn..., tỷ lệ lao động được doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề còn thấp, không lâu dài.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và giải quyết, khắc phục khó khăn, tồn tại Hà Nội đang gặp phải trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động; triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, chuyển dịch việc làm khu vực nông thôn; tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động; triển khai phương thức đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2017-2020 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẵn sàng thực hiện cơ chế tự chủ từ năm 2021. Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo cuối năm 2020 đạt từ 70-75% theo Nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: