Vĩnh Phúc: Hoàn thành vượt kế hoạch về chỉ tiêu giải quyết việc làm
(LĐXH)-Năm 2019, nền kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của tỉnh đạt 8,05%, quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh đạt hơn 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2018, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 102,5 triệu đồng/năm.
Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước của tỉnh Vĩnh Phúc tăng cao so với năm 2018, trong đó vốn FDI đạt 670 triệu USD, tăng 34% so với kế hoạch và tăng 27% so với năm 2018; vốn DDI đạt trên 13,5 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với kế hoạch và tăng 54% so với năm 2018. Số doanh nghiệp dân doanh được thành lập mới trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.160 doanh nghiệp với số vốn đăng ký gần 7.800 tỷ đồng, tăng 9,4% về số doanh nghiệp so với năm 2018. Lũy kế đến 31/12/2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có hơn 10.690 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 119.000 tỉ đồng.
Việc phát triển và gia tăng các doanh nghiệp cũng giúp tỉnh Vĩnh Phúc tạo ra cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động. Tại một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề tại tỉnh Vĩnh Phúc đều có thông báo tuyển dụng lao động số lượng lớn của nhiều doanh nghiệp, đơn vị ở nhiều thời điểm trong năm. Điều này tạo điều kiện cho lao động trẻ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn, tìm kiếm công ăn việc làm phù hợp với năng lực, trình độ đào tạo, sở thích, thu nhập đảm bảo ổn định…
Nếu như năm 2014, Vĩnh Phúc có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thu hút 37.790 lao động, thu nhập bình quân trong các khu công nghiệp đạt khoảng 3,4 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2019 Vĩnh Phúc có 344 dự án FDI đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho khoảng 87.000 lao động, thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Vĩnh Phúc cũng có nhiều chính sách như hỗ trợ người dân học nghề, đào tạo nghề; giúp các làng nghề nâng cao năng lực sản xuất thông qua các chương trình hỗ trợ máy móc thiết bị, quy hoạch làng nghề để các hộ dân mở rộng mặt bằng, đầu tư máy móc thiết bị mở rộng quy mô sản xuất… Hiện tỉnh có 25 làng nghề (trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới), thu hút khoảng 45.000 lao động có việc làm ổn định, đặc biệt huy động được nhiều lứa tuổi lao động lúc nông nhàn, ngay cả các em học sinh cũng tranh thủ làm nghề bán thời gian; thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đề ra mục tiêu giải quyết việc làm mới cho khoảng 23.000 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu, nhiệm vụ giải quyết việc làm cụ thể cho từng địa phương. Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Việt Phương, tỉnh đã có những chính sách, giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Đơn cử như: Nghị quyết 116 hỗ trợ người lao động tham gia xuất khẩu lao động; Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị số 04 của UBND tỉnh về tăng cường công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… Qua đó, đã tạo điều kiện giúp người dân, nhất là nông dân tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định.
Xác định công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 207/2015/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020. Với Nghị quyết này, tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho người lao động vay vốn đi XKLĐ từ 50 - 200 triệu đồng và nâng mức mức hỗ trợ đối với lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài chia theo đối tượng và theo thị trường, trong đó, đối với các đối tượng ưu tiên có con em đi thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản được hỗ trợ 15 triệu đồng; đi lao động tại các nước khác được hỗ trợ 8 triệu đồng/người... Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người lao động trong quá trình hoàn thiện hồ sơ XKLĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) có văn bản đề nghị các cấp công đoàn trong tỉnh tăng cường phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội chuẩn bị đủ vốn vay cho số lao động khi có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài, thông báo rộng rãi, phổ biến rõ các thủ tục cho người lao động vay vốn được thuận tiện. Khi người lao động trở về nước, công đoàn cần quan tâm phối hợp doanh nghiệp trên địa bàn, giới thiệu việc làm, nhằm tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Sở LĐTBXH và các địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ XKLĐ cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình XKLĐ bằng nhiều hình thức. Các xã, phường, thị trấn cũng đã chủ động bố trí cán bộ trực tiếp tư vấn, tuyên truyền, giải thích cho người lao động, đồng thời, hướng dẫn người lao động làm hồ sơ, các thủ tục cần thiết khi có nhu cầu tham gia XKLĐ, giúp người dân tiếp cận thông tin nhanh và chính xác nhất về thị trường lao động, những doanh nghiệp tham gia tuyển lao động uy tín, thông tin về ngành nghề; chi phí xuất cảnh... Với vai trò đơn vị đầu mối tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn và đào tạo người lao động có nhu cầu đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, thời gian qua, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh Vĩnh Phúc đã làm tốt công tác phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp, các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh và trở thành địa chỉ tin cậy đối với người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Số lượng lao động được đơn vị tư vấn, tuyển chọn, đào tạo và đưa đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài ngày càng tăng. Với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, năm 2019, công tác XKLĐ của Vĩnh Phúc đã về đích đúng mục tiêu với 2.000 lao động trong số này đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
Cùng với đó, Vĩnh Phúc luôn chú trọng phát triển thị trưởng lao động, đẩy mạnh công tác thông tin về thị trường lao động, tư vấn và giới thiệu việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh định kỳ mở phiên giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm vào ngày thứ 5 hàng tuần, tích cực phối hợp với doanh nghiệp trong tỉnh, trao đổi thông tin với ngành chức năng của các tỉnh lân cận trong việc cung ứng lao động đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài 4 phiên giao dịch việc làm được duy trì định kỳ mỗi tháng, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã, huyện để nhân dân địa phương có thêm cơ hội tiếp cận những thông tin cần thiết, hữu ích về những vị trí việc làm còn trống, yêu cầu của doanh nghiệp với ứng viên, các chế độ lương – thưởng cho người lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Thực hiện chức năng là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm, trong đó, có 6 phiên lưu động với 478 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển lao động. Qua các phiên giao dịch, các doanh nghiệp đã tuyển được gần 2.190 người, đồng thời, tư vấn về chính sách lao động và việc làm cho 13.424 lượt người.
Công tác hỗ trợ kinh phí cho người lao động khởi nghiệp, mở rộng và duy trì việc làm, xuất khẩu lao động cũng được tỉnh quan tâm. Thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Cục việc làm về hoạt động tín dụng ưu đãi cho người lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từ năm 2012 đến hết tháng 6/2019, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho hơn 4.600 hộ vay vốn tự tạo việc làm tại chỗ với tổng nguồn vốn vay trên 90,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 4.800 lao động. Từ năm 2013 đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 8.167 hộ vay vốn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh với tổng số tiền trên 249 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.737 lao động. Từ năm 2013 đến hết tháng 12/2018, toàn tỉnh có 1.271 hộ vay vốn xuất khẩu lao động với tổng số tiền trên 71,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 1.300 lao động.
Vĩnh Phúc cũng chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Để đảm bảo sức cạnh tranh của người lao động trước những nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường, hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc xác định là công tác then chốt, trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Phúc dự chi gần 5 tỉ đồng để tổ chức các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng cho 1.146 lao động với mục tiêu từ 80% học viên có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, thỏa thuận hợp tác ký kết ngày 29/10/2019 giữa Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc và các doanh nghiệp lớn như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Hyundai Vĩnh Yên, Tập đoàn Prime, Công ty TNHH Chính xác Việt Nam 1, Tập đoàn Viettel chi nhánh Vĩnh Phúc, JHJ Group… đã đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động đào tạo nghề tại Vĩnh Phúc. Theo đó, lãnh đạo Trường Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp Vĩnh Phúc cam kết cung ứng tối thiểu 21.500 lao động chất lượng cao thuộc các ngành Công nghệ ô tô, Điện tử - Điện lạnh, Công nghệ thông tin, Điện công nghiệp, Hàn… cho các doanh nghiệp trên trong giai đoạn 2020 – 2025. Đơn đặt hàng quy mô lớn này cho thấy chủ trương của tỉnh về gắn kết dạy nghề và giải quyết việc làm là hướng đi đúng, hiệu quả và cần thiết được thúc đẩy mạnh trong tương lại.
Có thể nói, với những giải pháp đồng bộ nêu trên, từ hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, năm 2019, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 24.500 lao động, tăng 11,4% so với năm 2018 và vượt Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh đề ra, góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm; chú trọng nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, tập trung vào các thị trường ổn định, cho thu nhập cao. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh về đẩy mạnh hỗ trợ người nghèo học nghề và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động./.
Mỹ Hạnh
TAG: