An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật
02:49 PM 29/10/2024
(LĐXH)- Trong 2 ngày (28 – 29/10), tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp lần thứ 13 năm 2024.
Tập đoàn TKV hiện có 75 đơn vị thuộc, trực thuộc với nhiều hình thức sở hữu khác nhau; sử dụng gần 95 nghìn lao động, trong đó có 73.900 người lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.  
Trung tâm Cấp cứu mỏ (là thành viên Thường trực của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia), có lực lượng cấp cứu mỏ chuyên nghiệp, thường trực tại 03 trạm (Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, với tổng số 231 người) và lực lượng cấp cứu mỏ bán chuyên nghiệp, thường trực tại các đơn vị sản xuất trực thuộc TKV để sẵn sàng ứng cứu sự cố nhanh nhất khi cần thiết. Hiện nay Trung tâm cấp cứu mỏ là thành viên tích cực của Hiệp hội cứu hộ, cứu nạn thế giới.
Các đội tham gia Hội thao tại buổi tổng kết và trao giải
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp là một hoạt động thường kỳ của Trung tâm Cấp cứu mỏ - Vinacomin. Hội thao lần thứ 13 năm 2024 thu hút 12 đội của 03 trạm tham gia, gồm 4 khoa mục: Điều lệnh đội ngũ (mỗi trạm lập 01 đội thi gồm 22 người, trong đó có 1 chỉ huy là trạm phó); Tìm kiếm cứu nạn, thủ tiêu sự cố trong hầm lò (mỗi trạm tham gia thi gồm 4 tiểu đội, mỗi tiểu đội gồm 6 đội viên và 01 đội viên dự phòng); Sơ cứu ban đầu (tiểu đội phối hợp sơ cứu nạn nhân bị đa chấn thương, hồi sinh tim phổi trên người cao su); Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn trên sơ đồ (mỗi trạm cử 1 cán bộ chỉ huy căn cứ vào giả định sự cố để trình bày phương án cứu nạn, giải quyết sự cố của mình).
Trong các khoa mục, tìm kiếm cứu nạn là khoa mục quan trọng nhất, được diễn tập với các dạng sự cố điển hình trong khai thác mỏ hầm lò, như sập đổ lò, cháy mỏ, nổ khí, bục nước...
Phát biểu chúc mừng Hội thao, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh: Đây là một trong những hoạt động nâng cao năng lực giải quyết sự cố của lực lượng cứu hộ mỏ chuyên nghiệp. Thông qua Hội thao nhằm duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp – kỷ luật, đồng thời là kỳ sát hạch định kỳ năng lực hoạt động của Trung tâm Cấp cứu mỏ; là dịp để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng cứu hộ mỏ chuyên nghiệp, bán chuyên được học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh nghề, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh điều kiện khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu áp lực mỏ lớn, nguy cơ bục bùn nước cao, vận tải khó khăn, phức tạp như hiện nay.
Cục trưởng Cục An toàn Lao động Hà Tất Thắng trao giải toàn đoàn tới các đội thi
Cục trưởng Hà Tất Thắng đánh giá cao về các hoạt động của Trung tâm Cấp cứu mỏ với hoạt động luyện tập thường ngày của cán bộ chiến sỹ tại Trung tâm; huấn luyện cho các đội cấp cứu bán chuyên tại các đơn vị và đội ngũ quản đốc, phó quản đốc (lực lượng tại chỗ, tại nơi sản xuất); hoạt động cứu nạn, cứu hộ tại các đơn vị trong ngành Than và tham gia cứu nạn cứu hộ Quốc gia với các sự cố đặc biệt nghiêm trong và ngoài ngành.
“Các chiến sỹ ở Trung tâm Cấp cứu mỏ luôn là lực lượng chuyên nghiệp với ý thức tổ chức, kỷ luật nghiêm nhất, cao nhất, được trang bị các thiết bị cứu hộ, phương tiện bảo vệ cá nhân tốt nhất, hiện đại nhất. Tập luyện trong môi trường khắc nghiệt nhất. Môi trường, điều kiện tập luyện được mô phỏng theo các tình huống sự cố nguy hiểm nhất, như: cháy nổ khí  trong hầm lò nhiệt độ rất cao, thiếu ô xi, thậm chí có nhiều khí CO cực kỳ độc và nguy hiểm (qua đường hô hấp và thẩm thấu qua da); bục nước, bùn đất vùi lấp trong hầm lò gây sập đổ lò quy mô lớn; mất thông gió trong hầm lò; cấp cứu cháy mỏ hầm lò...” - Cục trưởng Hà Tất Thắng ghi nhận.
Cục trưởng Hà Tất Thắng cho rằng: Trung tâm Cấp cứu mỏ cũng đạt nhiều kết quả trong việc đào tạo, huấn luyện đội cấp cứu bán chuyên cho các đơn vị trong ngành, nhất là các đơn vị khai thác than hầm lò. Qua công tác này, ngành Than đã có hàng trăm đội cấp cứu bán chuyên; hàng nghìn quản đốc, phó quản đốc của các đơn vị có kiến thức, kinh nghiệp cứu nạn, cứu hộ ban đầu; đội ngũ này cũng hoạt động rất hiệu quả trong khi chờ lực lượng chuyên nghiệp đến giải quyết sự cố một cách căn cơ, toàn diện. Chính điều này đã góp phần quan trọng giảm thiệt hại, đặc biệt là cứu được nhiều công nhân bị nạn thoát chết.
Cục trưởng Hà Tất Thắng lưu ý: Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, song ngành than vẫn là một trong những ngành để xảy ra nhiều tai nạn chết người nhất trong cả nước, thường chiếm khoảng 60 - 70% tai nạn lao động chết người của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể như năm 2023, tổng số 528 vụ/534 người (14 vụ tai nạn lao động chết người, làm 18 ng­­ười chết); 9 tháng đầu năm 2024, tổng số 366 vụ/377 người (13 vụ tai nạn lao động chết người, làm 22 ng­­ười chết). Có những vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người như cháy nổ khí mê tan ở Công ty than Thống nhất; đổ lò do bục nước ở Công ty than Vàng Danh, Công ty than Than Hòn Gai...
Ban Tổ chức trao giải Nhất, giải Nhì ở các giải khoa mục
“Ngành Than nói chung, Trung tâm Cấp cứu mỏ, các đội cấp cứu bán chuyên nói riêng tiếp tục nỗ lực, thường xuyên luyện tập và huấn luyện các tình huống, sự cố giả định nghiêm ngặt hơn để từng bước hạn chế tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động chết người. Đồng thời, có nhiều giải pháp phòng ngừa hơn, nhất là tập trung đánh giá rủi ro, xử lý nguy cơ xảy ra tai nạn lao động…” - Cục trưởng Hà Tất Thắng đề nghị.
Sau 02 ngày tranh tài sôi nổi với khí thế và quyết tâm rất cao của các đội thi, Ban Tổ chức trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba đối với giải tiểu đội; 01 giải Nhất, 01 giải Nhì đối với 02 khoa mục là Điều lệnh đội ngũ và Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn; trao 01 giải Nhất toàn đoàn tới Tiểu đội 1 Hạ Long 2, 01 giải Nhì đối với Tiểu đội 5 Uông Bí 2 và 01 giải Khuyến khích tới Tiểu đội 2 Cẩm Phả 1.

Chí Tâm

TAG: Trung tâm Cấp cứu mỏ Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ chuyên nghiệp lần thứ 13 năm 2024
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn và nguyên nhân khi thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp ở Sơn La