Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
10:56 AM 30/10/2024
Xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là cơ hội để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Thông qua các Phiên giao dịch việc làm giúp người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động, tìm kiếm việc làm

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, gồm 22 xã và 01 thị trấn, có diện tích 51.377,4 ha với dân số 106.000 người. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, huyện Định Hóa có 4.596 hộ nghèo (tỷ lệ 17,39%), 3.922 hộ cận nghèo (tỷ lệ 14,84%). Trong các chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản thì chiều thiếu hụt về việc làm có 1.862 hộ, chiếm tỷ lệ 40,51%. Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong giai đoạn từ năm 2022-2024, huyện Định Hóa được phân bổ tổng kinh phí hơn 21,1 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tính đến tháng 6/2024 đã giải ngân được 10,1 tỷ đồng. Trong đó, đối với Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững của Dự án 4. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, tổng số vốn đã được phân bổ là 2 tỷ đồng (năm 2022 phân bổ 276 triệu đồng; năm 2023 phân bổ 730 triệu đồng; năm 2024 phân bổ 1 tỷ đồng). Số kinh phí đã giải ngân là 983 triệu đồng (trong đó năm 2022 là 270 triệu đồng; 2023 là 712 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2024 là 220 triệu đồng; ước cả năm 2024 là 1 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn phân bổ cho Tiểu dự án 3. Hỗ trợ việc làm bền vững, huyện đã thực hiện các nội dung như: Năm 2022, tổ chức 01 ngày hội việc làm với số lượng khoảng 2.500 người tham gia, trong  đó hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên 1.500 người. Tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm với số lượng khoảng 1.000 người tham gia, trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là trên 630 người.
Năm 2023, tổ chức 01 ngày hội việc làm với khoảng 2.500 người tham gia, trong đó có trên 1.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tổ chức 22 phiên giao dịch việc làm với khoảng 1.700  người tham gia, trong đó có 550 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư cho 68.529 lao động.
Triển khai nhiệm vụ năm 2024, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền về học nghề, việc làm năm 2024 với mục đích tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về lao động, đào tạo nghề, việc làm. Hỗ trợ người lao động, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, các chính sách đào tạo nghề, tạo việc làm.
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá cho biết: Công tác tạo việc làm cho người lao động được Huyện ủy - HĐND - UBND huyện xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện quyết định tới trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh và tăng cường việc kết nối cung- cầu lao động, đặc biệt là đối với các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, huyện Định Hoá đã lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp có đủ điều kiện trực tiếp thực hiện tuyển dụng lao động trên địa bàn. Hàng năm, huyện có trên 2.200 lao động có việc làm mới, trong đó trên 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trên 120 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của huyện đã giảm, cụ thể năm 2022 giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 15,95%, trong đó: Hộ nghèo còn 2.389 hộ/26.497 hộ, chiếm tỷ lệ 9,02%, giảm 8,37% so với đầu năm 2022, đạt 139,5% kế hoạch; Hộ cận nghèo còn 1.925 hộ/26.497 hộ, chiếm tỷ lệ 7,26%, giảm  7,58% so với đầu năm 2022, đạt 247,71% kế hoạch. Năm 2023, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 6,30%, trong đó: Hộ nghèo còn 1.432 hộ/26.425 hộ, chiếm tỷ lệ 5,42%, giảm 3,60% so với đầu năm 2023, đạt 125% kế hoạch; Hộ cận nghèo còn 1.204 hộ/26.425 hộ, chiếm tỷ lệ 4,56%, giảm   2,70% so với đầu năm 2023, đạt 103,05% kế hoạch.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về học nghề, việc làm, chú trọng tuyên truyền các mô hình điển hình, tiêu biểu trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động và ngày hội việc làm để kết nối cung – cầu lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm./.
 
Lan Anh
TAG: Định Hoá
Tin khác
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp