Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Ngãi: Phát triển thị trường lao động, đáp ứng sự thiếu hụt nguồn nhân lực
10:25 AM 04/10/2019
(LĐXH)-Hiện nay, Quảng Ngãi đang thiếu hụt một lượng lao động lớn. Việc xây dựng và phát triển thị trường lao động có ý nghĩa rất quan trọng để giải bài toán đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chính vì vậy, việc đánh giá tình hình tuyển dụng lao động, giải quyết việc làm và bàn giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại địa phương trong năm 2019 - 2020.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 5.063 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 99.000 lao động. Để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH, Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi... đã phối hợp tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm. Trung bình mỗi phiên có khoảng 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Qua đó, số lao động tìm được việc làm tại các phiên giao dịch đạt từ 35 - 40%, các doanh nghiệp tuyển dụng được trên 7.000 lao động. Riêng 2 tháng đầu năm 2019, có hơn 3.800 lượt người trực tiếp khai thác thông tin và phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm với trên 2.000 lao động được tuyển dụng.

Các lao động làm đăng ký xin tuyển dụng tại Hội việc làm lần 2 năm 2019

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2019 và năm 2020, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ rất cao khi một số doanh nghiệp lớn bắt đầu đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn cung ứng lao động vẫn còn thiếu hụt do nhiều nguyên nhân. 

Ông Đàm Minh Lễ - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Quảng Ngãi cho hay: “Năm 2018, các doanh nghiệp trong KCN VSIP và KCN Tịnh Phong đăng ký tuyển dụng khoảng 15.000 lao động, nhưng thực tế chỉ tuyển được 6.700 lao động. Trong năm 2019, các doanh nghiệp cũng đăng ký tuyển dụng 15.000 lao động, nhưng dự đoán có thể chỉ tuyển được 5.000 - 6.000 lao động. Các KCN, KKT ở Quảng Ngãi đang thiếu hụt lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật”.

Tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi còn nhu cầu tuyển dụng 16.467 lao động, nhiều nhất ở KKT Dung Quất, nhà máy Thép Hòa Phát, khu công nghiệp VSIP. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2019, thông qua các sàn giao dịch việc làm, các doanh nghiệp đã tuyển dụng mới được khoảng 2.000 lao động, một con số khá hạn chế so với nhu cầu thực tiễn. Dự báo trong năm 2019, 2020 nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao khi một số doanh nghiệp lớn sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Tại Ngày hội việc làm lần thứ 2 năm 2019 ở Quảng Ngãi do Trung tâm dịch vụ việc làm, Sở LĐ-TBXH phối hợp với Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức, đã có 43 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 9.989 lao động. Trong đó, tuyển 1.390 lao động có trình độ đại học, cao đẳng; 1.893 lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật. Ngoài ra, các đơn vị cũng có nhu cầu tuyển dụng hơn 6.706 lao động phổ thông và có tay nghề. 

Các lao động sau khi được tuyển dụng sẽ làm việc tại các khu công nghiệp VSIP, khu công nghiệp Tịnh Phong, Khu Kinh tế Dung Quất... với mức lương từ 4-10 triệu đồng/tháng. Ví trí tuyển dụng đa dạng gồm: công nhân may, kế toán, các chức vụ giám sát, quản lý, nhân viên kho, thợ hàn, kỹ sư điện… 

Em Lê Thành Châu tốt nghiệpLớp Cao đẳng hàn, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Bộ LĐ-TB&XH) được tuyển dụng ngay sau lễ nhận bằng tốt nghiệp với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng/tháng.

Cũng tại phiên giao dịch việc làm lần này, một số đơn vị tuyển xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản với chỉ tiêu trên 1.000 người. Lao động khi làm việc tại thị trường này sẽ được hưởng mức lương từ 28-35 triệu đồng/ tháng với các công việc làm công nhân tại các nhà máy, làm nông nghiệp, điều dưỡng viên chăm sóc người già... Các cơ sở đào tạo nghề dịp này cũng có nhu cầu tuyển sinh 400 chỉ tiêu. 

Theo số liệu thống kê, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 840.000 người trong độ tuổi lao động, trong khi đó hiện tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh chỉ cần tuyển dụng từ 15.000 - 17.000 lao động nhưng vẫn không cung ứng đủ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc làm chưa hấp dẫn, thu nhập chưa tương xứng tạo nên rào cản lớn cho công tác tuyển dụng lao động.

Người sử dụng lao động thiếu nhân sự, trong khi đó, các cơ sở đào tạo nghề chưa thật sự thu hút được nhân lực, người dân thì không có việc làm, kết cấu cung - cầu chưa liên thông với nhau.

Theo ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, các đơn vị liên quan phải xây dựng một thị trường lao động có tính cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích và quyền lợi giữa người lao động và doanh nghiệp thì tỉnh Quảng Ngãi mới có thể có được nguồn nhân lực bền vững trong thời gian tới.

Đồng thời, phải thực hiện nhiều giải pháp để giải bài toán cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Trong đó, trọng tâm là công tác đào tạo nghề ngắn hạn, nhất là cho lực lượng học sinh vừa tốt nghiệp Trung học phổ thông, lực lượng bộ đội xuất ngũ...

“Nếu làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đào tạo gắn với giải quyết việc làm thì đây sẽ là lực lượng chủ lực cung ứng cho con số thiếu hụt nguồn nhân lực mà tỉnh Quảng Ngãi cần trong năm 2019 cũng như những năm tiếp theo”, ông Lê Viết Chữ khẳng định.

Còn ông Võ Văn Triều - Chủ tịch UBND thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng) cho rằng, nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng vào công việc tuyển dụng lao động, trả lương mà không đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt cho người lao động nên rất khó thu hút lực lượng lao động từ miền núi xuống đồng bằng làm việc.

Theo Trần Văn Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức, để thu hút được lực lượng lao động vào làm tại các khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thì trước hết cần phải ưu tiên xây dựng môi trường sống rồi mới tính đến việc thu hút nguồn nhân lực./.


Nghiêm Hà
TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật