Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Bình: Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho lao động bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển
02:02 PM 20/09/2019
Với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành trực thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Quảng Bình, sau ba năm, vấn đề việc làm cho các lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố năm 2016 đã được giải quyết, góp phần ổn định đời sống của người dân và khôi phục, phát triển kinh tế tỉnh Quảng Bình.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sự cố môi trường biển năm 2016 đã tác động nghiêm trọng tới 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, trong đó Quảng Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất với phạm vi bị ảnh hưởng rộng và giá trị thiệt hại lớn (chiếm hơn 40% tổng thiệt hại của 4 tỉnh miền Trung nói trên), dẫn đến sự gia tăng tỉ lệ thất nghiệp tại địa phương này (tăng 1,1%). Tuy nhiên, với sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan, ban ngành trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng UBND tỉnh Quảng Bình, sau ba năm, vấn đề việc làm cho các lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố năm 2016 đã được giải quyết, góp phần ổn định đời sống của người dân và khôi phục, phát triển kinh tế tỉnh Quảng Bình.
Tổ chức sàn giao dịch để hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển
Ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, thực hiện Quyết định của Chính phủ về việc bồi thường thiệt hại cho 7 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường biển tại miền Trung, tỉnh Quảng Bình đã triển khai kịp thời việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đến các gia đình bị tổn thất. Kinh phí hỗ trợ được dùng để tái đầu tư sản xuất hoặc chuyển đổi nghề đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế. Những mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân cũng được nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Sau một thời gian thử nghiệm, các mô hình bước đầu thích ứng với tình hình thực tế, đem lại thu nhập cho người dân, nhờ đó, đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh, từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thủy sản cũng như hoạt động du lịch.
Song song với giải pháp trên, tỉnh Quảng Bình cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Việc đào tạo nghề được chú trọng, với sự ưu tiên các đối tượng thuộc hộ gia đình nằm trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được UBND cấp huyện phê duyệt. Ngoài học phí, người học còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và được vay vốn với lãi suất thấp đến khi kết thúc khóa học. Các doanh nghiệp nhận người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển vào làm việc cũng được hỗ trợ kinh phí đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã tuyển được 5.042 học viên, trong đó có 32 học viên hệ Cao đẳng, 134 học viên hệ Trung cấp, 3.354 học viên hệ Sơ cấp, 1.522 người tham gia các khóa học dưới 3 tháng và 3.181 người đã tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn tập trung, tư vấn qua điện thoại hoặc trang thông tin điện tử. Các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ vào ngày 12 và ngày 16 hàng tháng cùng những phiên giao dịch lưu động tại các địa phương đã thu hút gần 200 lượt doanh nghiệp tham gia, trở thành cầu nối giữa các đơn vị tuyển dụng và người lao động, vừa giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm được ứng viên thích hợp với nhu cầu, vừa hỗ trợ nhiều lao động tìm được công việc ổn định và nâng cao thu nhập. Việc hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được tiến hành hiệu quả với nhiều biện pháp thiết thực như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, chi phí khám sức khỏe, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động và hỗ trợ vay vốn (mức vay tối đa bằng 100% các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo quy định đối với từng thị trường, lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Nhà nước quy định).
Đánh giá về hoạt động của sàn giao dịch việc làm trong thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Phương – Giám đốc Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình nhận định, với 18 phiên giao dịch việc làm được tổ chức, 11.936 lượt người lao động được tư vấn, 2.148 lượt người được giới thiệu việc làm, 169 người xuất khẩu lao động, Trung tâm "đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động tại địa phương phát triển, thu hút đông đảo các cấp, ngành tham gia và trở thành địa chỉ tin cậy của các nhà tuyển dụng cũng như người tìm việc. Đây còn là một trong những căn cứ để các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo nghề nắm bắt sát tình hình cung cầu lao động trên thị trường nhằm có các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động trong tỉnh".
Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương về việc làm và xuất khẩu lao động, những chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cũng được phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Những biện pháp kịp thời, thiết thực trên đã đem lại những chuyển biến tích cực, khả quan cho thị trường lao động, việc làm của tỉnh Quảng Bình sau những thiệt hại nặng nề của sự cố năm 2016. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2019, khoảng 18.300 lao động đã được giải quyết việc làm (đạt 50,08% kế hoạch năm), trong đó, khoảng 9.700 lao động được tạo việc làm (đạt 51,05% kế hoạch năm), khoảng 1.700 người xuất khẩu lao động (đạt 51,37% kế hoạch năm). Nhờ đó, người dân không chỉ được đảm bảo về đời sống mà còn có thêm các cơ hội gia tăng thu nhập, góp phần tích cực vào việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Huyền Chi
 
TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật