Lào Cai: Quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số
(LĐXH) – Những năm qua, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đã ban hành, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Hiện lực lượng thanh niên của tỉnh Lào Cai hiện có trên 200.000 người. Số thanh niên DTTS trong độ tuổi lao động không có việc làm, không có thu nhập ổn định khoảng trên 2.000 người. Vì vậy, giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động nói chung và lao động DTTS nói riêng là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh Lào Cai những năm qua.
Theo đó, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như việc tái cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, góp phần tăng cơ hội việc làm, hướng tới những việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai nhiều chính sách giảm nghèo bền vững, với hợp phần Dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động…
Giai đoạn 2016 - 2018, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho 3.895 học sinh, sinh viên với tổng số hơn 20 tỷ đồng. Một số chính sách giảm nghèo bền vững với hợp phần dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ hệ thống dịch vụ việc làm, vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp. Từ đó, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn khởi nghiệp và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Toàn tỉnh hiện có 191/4.011 doanh nghiệp có chủ sở hữu là người dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 62.500 người.
Bên cạnh đó, Quỹ Quốc gia về việc làm (QGVVL) cũng là một trong những nguồn lực quan trọng, góp phần hỗ trợ, khuyến khích thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh tự giải quyết việc làm, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập.
Có thể kể đến tấm gương của anh Nông Văn Lương (dân tộc Giáy), ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, hiện là chủ chuỗi các nhà hàng, các trang trại cá nước lạnh Lương Ngọc, chủ nhiều cơ sở sản xuất và trưng bày đồ thủ công mỹ nghệ, kinh doanh nhà hàng.
Hoặc như chị Hà Thị Vân (dân tộc Tày) khởi nghiệp bằng kinh doanh nhà nghỉ cộng đồng phục vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại xã Tà Chải, huyện Bắc Hà; Anh Má A Nủ (dân tộc Mông), ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chiết xuất tinh dầu H’Mông Cát Cát… Chia sẻ về nguồn vốn ban đầu trong quá trình khởi nghiệp, Giám đốc Má A Nủ cho biết: “Không chỉ riêng tôi, mà với các bạn trẻ DTTS hiện nay, nếu có nghị lực và ý tưởng thì nguồn vốn từ quỹ giải quyết việc làm là một trong những nguồn lực quan trọng để khởi nghiệp thành công”.
Nhờ có được sự trợ giúp kịp thời từ các chính sách khởi nghiệp, đến nay, HTX H’Mông Cát Cát đã có các chi nhánh phân phối tinh dầu và các sản phẩm từ thảo dược tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và một số spa, khách sạn ở các tỉnh khác. Bên cạnh chế biến thảo dược thành tinh dầu dược liệu, HTX còn sản xuất các sản phẩm chăm sóc da như: Muối ngâm chân thảo dược, xà bông handmade tự nhiên, dầu xoa bóp... đem lại doanh thu không nhỏ, cũng như giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Lào Cai, tính đến đầu năm 2019, tổng vốn vay Quỹ QGVVL tỉnh Lào Cai là trên 101 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách của tỉnh, hằng năm Sở LĐTBXH, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu trình UBND tỉnh, phân bổ nguồn vốn cho các địa phương để hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, trên 4.500 lao động có việc làm ổn định, trong đó có 3.150 người DTTS được vay vốn. Thu nhập bình quân của các hộ vay vốn đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng. Các dự án vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.
Cảnh Hưng
TAG: