Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Hà Nội: Phấn đấu tạo việc làm cho 10.000 – 15.000 lao động nông thôn trong năm 2021
10:21 AM 13/04/2021
(LĐXH) - Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Hà Nội được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện song song với các chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương và được điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn.
Giai đoạn 2010 - 2020, toàn thành phố đã mở hơn 6.000 lớp đào tạo nghề cho gần 220.000 lao động nông thôn. Đối tượng được ưu tiên đào tạo là thành viên gia đình người có công với cách mạng, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất… Hoàn thành các khóa đào tạo, hơn 80% lao động nông thôn đã có việc làm hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, chất lượng cao hơn. Kết quả này góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn thành phố từ 34,8% vào cuối năm 2010, lên 70,2% vào cuối năm 2020.
 
Ngày 12/4/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 99/KH-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn thành phố Hà Nội năm 2021. Theo đó, Hà nội sẽ phấn đấu tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/người/năm.
Lao động nông thôn huyện Đông Anh học nghề may công nghiệp.
Kế hoạch nêu rõ mục tiêu chung: Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác phát triển ngành nghề nông thôn đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề trên địa bàn Thành phố phát triển, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Còn về một số chỉ tiêu cụ thể: Ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, như: Đào tạo nghề, truyền nghề; xúc tiến thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng và mặt bằng sản xuất... Hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng thương hiệu và đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Hỗ trợ đánh giá tác động môi trường cho 10 làng nghề đã được công nhận và đang làm thủ tục đề nghị công nhận. Hỗ trợ 5-10 dự án phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố. Tạo thêm khoảng 10.000 - 15.000 việc làm cho lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt 50-60 triệu đồng/người/năm.
 
Để hoàn thành các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, song song xây dựng cơ chế và thực hiện chính sách, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh áp  dụng khoa học và công nghệ. Trong đó, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố trong lĩnh vực phát triển nghề, làng nghề; các dự án quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề thuộc chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Quản lý công nghệ sản xuất, hạn chế đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào sử dụng gây ô nhiễm môi trường; giới thiệu, phổ biến công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý nước thải, rác thải, khí thải phù hợp với làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn.
 
UBND thành phố cũng chỉ đạo tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn theo quy định.Tổ chức tập huấn, phổ biến chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn cho chủ cơ sở sản xuất và người lao động được tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn (dự kiến 50 lớp). Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Bên cạnh hỗ trợ vốn và phổ biến chính sách thuế, UBND thành phố cũng chỉ đạo tập trung giao đất, cho thuê đất và bảo vệ môi trường làng nghề; phát triển, bảo tồn làng nghề gắn với du lịch, giáo dục trải nghiệm…

 

Thục Quyên

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Huyện Nguyên Bình (Cao Bằng): Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ việc làm bền vững, thị trường lao động
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững