Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng cho lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề
11:07 AM 01/04/2021
(LĐXH)- Theo Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3, từ 15/5/2021, người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng, tối đa không quá 4,5 triệu/khóa đào tạo 3 tháng.'
Đây là chính sách mới đáng chú ý dành cho lao động thất nghiệp được quy định trong Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3. So với mức hỗ trợ hiện hành của Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg tối đa 1 triệu đồng/tháng thì mức hỗ trợ mới tăng thêm 500 nghìn đồng/tháng.
Cụ thể, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/tháng
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Quyết định 17/2021/QĐ-TTg áp dụng với người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.
Đơn vị triển khai các thủ tục hỗ trợ học nghề của người lao động là Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ: Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và đăng ký học nghề
Theo Bộ Lao động - TBXH, thời gian qua, số lao động thất nghiệp có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp. Người lao động thất nghiệp tham gia học nghề chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi trình độ trung cấp trở lên của người tham gia.
Việc nâng mức hỗ trợ theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg sẽ tạo điều kiện hơn cho lao động thất nghiệp học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời góp phần thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề.
Được biết, những năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế – xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy khá đầy đủ chức năng “bà đỡ” cho thị trường lao động. Qua triển khai chính sách, trong đó có việc hỗ trợ học nghề đã kịp thời trợ giúp người lao động bảo đảm cuộc sống, sớm quay trở lại thị trường lao động nhanh hơn. Kết quả, tính đến hết tháng 11/2020, cả nước có hơn 251 nghìn người được hỗ trợ học nghề, kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này lên tới hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nằm trong dự tính phương án tài chính khi xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững