Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Hà Nội: Giải pháp nào để tạo việc làm cho người cao tuổi
03:11 PM 15/10/2019
(LĐXH) – Theo ông Phạm Văn Ngọc - Phó Trưởng ban thường trực ban đại diện Hội Người cao tuổi (NCT thành phố Hà Nội, Nhà nước cần có chính sách tạo việc làm cho NCT. Nên có một tổ chức đứng ra để giải quyết việc làm cho NCT và Ngân hàng chính sách xã hội nên có cơ chế để Hội NCT được tín chấp cho hội viên vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh…
Thủ đô Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn với tổng dân số gần 8 triệu người, trong đó có 918.122 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 11,5% dân số. Trong tổng số NCT có: 81.415 NCT có công với nước (chiếm 8,87%); 297.268 NCT là cán bộ công chức, viên chức người lao động và lực lượng vũ trang nhân dân hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (chiếm 32,38%) và 167.411 NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Luật Người cao tuổi (chiếm 18,23%).
Cần có giải pháp để tạo việc làm cho người cao tuổi 
Hiện nay nhu cầu làm việc của NCT là rất lớn, tuy nhiên để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Phần lớn họ tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi. Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Về vấn đề nay, ông Phạm Văn Ngọc – Phó Trưởng ban thường trực ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cho biết: Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, NCT không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn. Nhưng hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội chưa có chính sách cho NCT vay vốn. Vì vậy, NCT muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh phải thông qua các tổ chức khác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… hoặc Hội NCT sẽ cho vay vốn từ quỹ của Hội. Mặc dù Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, cũng nêu rõ tạo điều kiện cho NCT tham gia các hoạt động kinh tế như: Khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm theo điều kiện và khả năng cụ thể; Thực hiện hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và vốn đầu tư phát triển sản xuất đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh... Và Điều 24 Luật Người cao tuổi quy định Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến; Ưu đãi về vay vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo.
Gần đây, thực hiện Quyết định 1533/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thông qua đó, NCT nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, nhưng kinh phí rất thấp, chỉ vay được 5 triệu đồng.
Ông Ngọc cho biết thêm: Trong gần 3 năm qua, toàn thành phố đã có hàng vạn người cao tuổi tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh, trong đó có 5.534 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, các trang trại, với tổng số 23.279 NCT làm kinh tế giỏi. Năm 2018, Ban đại diện Hội NCT TP đã tổ chức biểu dương khen thưởng 8.590 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở; 1.563 NCT làm kinh tế giỏi cấp quận, huyện, thị xã; 140 NCT làm kinh tế giỏi cấp thành phố. Qua đó, động viên khuyến khích NCT tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương.
Để NCT có thêm nhiều cơ hội làm việc, theo ông Phạm Văn Ngọc, Nhà nước cần có chính sách tạo việc làm cho NCT. Nên có một tổ chức đứng ra để giải quyết việc làm cho NCT và Ngân hàng chính sách xã hội nên có cơ chế để Hội NCT được tín chấp cho hội viên vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Chúng ta cần có phương án, chương trình để hỗ trợ NCT đánh giá được khả năng của mình có thể làm việc gì phù hợp, cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch để làm sao người lao động cao tuổi có thể gặp trực tiếp với chủ lao động. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận NCT vào làm việc. Có như vậy mới giúp NCT tìm được việc làm và góp phần bảo đảm chất lượng cuộc sống...”
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho NCT nói chung và NCT trên địa bàn Thủ đô nói riêng dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, để có thể tiếp tục phát huy khả năng của mình, cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích./.
Minh Hiền
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật