Cần nhiều giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho lao động trẻ ở miền núi
(LĐXH)- Hiện nay, tại các tỉnh miền núi, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; hầu hết dân số sinh sống và làm nghề nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay tại nhiều địa bàn nông thôn tại đây đang diễn ra thực trạng thiếu lao động trẻ, tình trạng “ly nông, ly hương” diễn ra ngày càng phổ biến. Do đó cần có giải pháp để tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động trẻ.
Thực trạng thanh niên rời quê lên phố
Xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng) có trên 1.500 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, thế nhưng trên các cánh đồng trồng rau màu của xã thấy rất ít bóng dáng thanh niên từ 18 - 35 tuổi. Ở dĩ ít lao động trẻ ở nhà là do không có việc làm thường xuyên, thu nhập từ đồng ruộng lại thấp. Ít ruộng, vườn nên một số thanh niên sau khi tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp không tìm được việc làm đã “ly nông, ly hương” đi đến các thành phố ngoại tỉnh để mưu sinh.
Thực trạng trên cũng diễn ra ở xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa - nơi trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Cao Bằng. Ở đây rất cần lao động trẻ trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển mía, nhưng tại các cánh đồng mía chỉ thấy các bà, các mẹ đã 50 - 60 tuổi, hay những phụ nữ trẻ đem theo con nhỏ đang chăm sóc mía.
Việc lao động trẻ xã Đại Sơn kéo ra thành thị tìm việc làm đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp; giá lao động mùa thu hoạch mía tăng trong khi chất lượng, năng suất thấp vì phần lớn lao động là người già.Thanh niên địa phương cần được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm tại chỗ (ảnh minh họa)
Trong khi địa phương rất khó giữ lao động trẻ ở lại nông thôn bởi chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa cao, nhiều thanh niên đã học nghề nhưng không thể làm nghề. Mặt khác, người dân không có vốn để đầu tư phát triển ngành nghề hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mặc dù lên thành phố làm việc lương không cao, nhưng có thu nhập ổn định nên đã thu hút lực lượng khá lớn thanh niên nông thôn.
Thực trạng lao động trẻ ở nông thôn miền núi tỉnh Cao Bằng đến các thành phố lớn làm việc đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều khu vực nông thôn chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ em, dẫn đến thiếu hụt về nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…
Trong khi đó, theo khảo sát của Tỉnh đoàn, mỗi năm tỉnh Hòa Bình có khoảng 9.000 đến 10.000 thanh niên bước vào tuổi lao động, từ 7.000 đến 8.000 nghìn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, bộ đội xuất ngũ có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Trong đó, thanh niên ở độ tuổi lao động thiếu việc làm và thất nghiệp chiếm gần 50%, trên 70% số thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề, 2/3 số thanh niên nông thôn thường xuyên phải rời quê tìm việc làm ở nơi khác.
Nguyên nhân là đa số thanh niên nông thôn còn nhiều hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần vươn lên chủ động lập nghiệp của họ cũng chưa cao, việc thu hút thanh niên nông thôn vào học các nghề nông nghiệp rất khó khăn, phần lớn thanh niên nông thôn đều có xu hướng ly hương để lập nghiệp. Một bộ phận thanh niên ngại khó, ngại khổ; thiếu chủ động, nhạy bén trong việc học nghề và tìm việc làm.
Làm gì để “giữ chân” thanh niên lập nghiệp tại quê hương?
Trong những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã nỗ lực chỉ đạo huy động các nguồn vốn vay, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng với đoàn viên thanh niên trong vấn đề về nghề nghiệp và việc làm. Nhiều hoạt động thiết thực được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn triển khai như: tham mưu, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai chương trình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác giảm nghèo, vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề; tập huấn công tác khuyến nông - khuyến lâm - khuyến ngư; tổ chức cho đoàn viên thanh niên thăm quan mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua tình nguyện đảm nhận các khâu khó, việc mới…
Trong công tác huy động nguồn vốn vay cho thanh niên, Tỉnh đoàn đã có những chỉ đạo tốt từ khâu thành lập tổ tiết kiệm và vay vốn, vì vậy nguồn vốn vay cho thanh niên địa phương không ngừng tăng qua các năm, qua đó các đoàn viên thanh niên đã phát triển những mô hình hiệu quả. Đối với đoàn viên thanh niên chưa tiếp cận được với các nguồn vốn, thiếu việc làm tại địa phương, Tỉnh đoàn đã trực tiếp chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tập trung làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên bằng nhiều hình thức như: tư vấn trực tiếp, phát tờ rơi, tổ chức “Phiên giao dịch việc làm”...
Trong năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã ký kết Chương trình phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn về tư vấn, du học và xuất khẩu lao động cho thanh niên; ký kết với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh về tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên, giai đoạn 2016 – 2020...thông qua đó đã giúp nhiều thanh niên có công ăn việc làm ổn định, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Còn tại Cao Bằng, Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để tạo việc làm tại chỗ cho lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ như: Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động… Đồng thời, Sở cũng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề với việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người lao động…Trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành chức năng tỉnh phải xác định đào tạo nghề, lựa chọn nghề đào tạo là để làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Điều này sẽ góp phần thu hút được lực lượng lao động nông thôn, trong đó có lực lượng lao động trẻ.
Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH tỉnh, năm 2019, từ nguồn vốn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở sẽ chỉ đạo Trường Trung cấp nghề tỉnh Cao Bằng đào tạo 3 nghề là nghề hàn, nghề sản xuất ván nhân tạo và nghề vận hành máy thi công nền. Đây là ba nghề trọng điểm hướng tới việc khai thác tiềm năng sẵn có của các địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở sẽ có những giải pháp để tạo điều kiện cho lao động trẻ địa hương tham gia những khóa đào tạo ba nghề trọng điểm này./.
Hồng Minh
TAG: