Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Cách làm hay trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Cà Mau
10:08 AM 04/11/2019
(LĐXH) Cà Mau là một tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc với số dân hơn 1,2 triệu người, trong đó có 73% đang ở độ tuổi lao động. Cơ cấu lao động của tỉnh theo ngành nghề chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Nhằm tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động, tỉnh Cà Mau đã từng bước đổi mới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn với nhu cầu thị trường, việc mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương. Tỉnh cũng sớm ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn gồm 75 nghề mang tính đặc thù của từng huyện, thành phố thuộc tỉnh, theo từng lĩnh vực: lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó nổi bật có các nghề như: nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn; tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng…
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cũng phối hợp với một số cơ quan, đoàn thể như: Sở Công Thương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp dạy các nghề ở lĩnh vực  nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lớp dạy nghề, đó là các lớp dạy những nghề như ép chuối khô, làm khô bổi ở huyện Trần Văn Thời; nghề làm tôm khô, nuôi cá chẽm ở huyện Ngọc Hiển; nghề sửa chữa điện, đan lát ở thành phố Cà Mau... Kết quả là tỷ lệ lao động nông thôn sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt hơn 80%. Thu nhập của lao động sau khi được học nghề cũng tăng hơn 50% so với trước khi được học nghề. Kết quả này góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 42 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Nhiều học viên tham gia lớp sửa xe tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau

Phú Tân là một huyện ven biển Tây của tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây vốn quen với nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản từ lâu. Vì vậy, huyện tập trung thực hiện công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, chọn những ngành nghề phù hợp với địa phương để người lao động có thể có việc làm ngay sau đào tạo.
Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau, vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là bài toán khó đối với huyện Đầm Dơi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách làm hay trong việc tạo việc làm, nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Gia đình không có đất để canh tác, diện tích vườn tạp quanh nhà cũng chỉ đủ trồng ít hoa màu, trước đây vì áp lực nuôi con nhỏ, anh Phạm Văn Đen (xã Tân Duyệt) từng chọn cách đi làm ngoài tỉnh, nhưng rồi cũng chẳng tới đâu và phải về lại quê nhà. Hiện ai thuê gì anh cũng nhận làm để có tiền nuôi con ăn học.
Cùng xã, ông Châu Văn Khởi từng làm nghề nuôi lợn thuê tại Đồng Nai đã 8 năm, đến nay vì sức khỏe kém, ông buộc phải trở về quê sống bằng nghề đặt lú, giăng câu sống qua ngày. Ông Khởi bộc bạch: “Giăng câu lúc được lúc không, bữa kiếm được cả trăm ngàn, có lúc không có đồng nào, nên cuộc sống bếp bênh”.
Lao động chọn cách đi làm ngoài tỉnh phần đông không tay nghề, không tư liệu sản xuất. Tính chất công việc bấp bênh, yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chi phí sinh hoạt, đi lại, là những áp lực mà người lao động ngoại tỉnh phải đối mặt.

Mô hình gia công đan sọt nhựa để xuất khẩu của tổ phụ nữ ấp Bàu Sen (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi)

bước đầu giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Thời gian qua, dù là một trong những địa phương tích cực trong công tác liên kết, đào tạo nghề cho người lao động, nhưng xã Tân Duyệt hiện vẫn có hơn 400 lao động phải đi làm ăn xa.
Trong khó khăn, công tác tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Cà Mau vẫn có những điểm sáng. Điển hình là cách tổ chức làm kinh tế, vươn lên cải thiện cuộc sống của tổ phụ nữ ấp Bàu Sen (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi). Công việc đan sọt nhựa xuất khẩu do chị Nguyễn Hồng Đẹp, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp ký hợp đồng với công ty từ Vĩnh Long đem về, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương đã được gần 6 tháng nay. Cụ thể, chị Đẹp trực tiếp làm việc với phía công ty để nhận mẫu và nguyên vật liệu, sau đó triển khai lại cho chị em tại ấp. Đến nay, đã có 4 tổ nhóm với gần 40 lao động nữ địa phương tham gia vào mô hình đan sọt nhựa. Ngoài công việc nội trợ, các chị em tham gia tổ đều có mức thu nhập khoảng 60 ngàn đồng/ngày. Bà Huỳnh Thị Điệp phấn khởi: “Lớn tuổi rồi, có được nghề này mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn, cũng giúp trang trải phần nào cuộc sống hàng ngày”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi Trần Anh Chót cho biết: “Huyện sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chất lượng đào tạo nghề hiệu quả hơn, đào tạo gắn với nhu cầu để giúp cho người dân có thể phát huy hiệu quả của nghề đào tạo, phát triển kinh tế gia đình”.
Thành Quốc
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật