Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với Tổng Công ty May 10 về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
05:08 PM 17/09/2019
(LĐXH)-Sáng ngày 17/9/2019, tại Hà Nội, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (Sửa đổi) đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty May 10 và tiếp xúc, gặp gỡ công nhân lao động để tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi làm việc
Cùng dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, còn có đồng chí Doãn Mậu Diệp – Phó Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên các đơn vị  liên quan trong Bộ.
Về phía Tổng Công ty May 10, có đồng chí Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May 10, đồng chí Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cùng Trưởng các đơn vị, xí nghiệp, Ban chấp hành Công đoàn, Đoàn thanh niên và người lao động của công ty. 
Đồng chí Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại buổi làm việc
May 10 thẳng thắn kiến nghị nhiều nội dung về chính sách lao động, tiền lương
Tại buổi làm việc, đề xuất những kiến nghị về chính sách lao động, tiền lương với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10 cho biết: Trong thời gian tới, nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu thì cần có lộ trình về thời gian. Đồng thời cần quy định cụ thể theo từng nhóm những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung (Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được quyền nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu người lao động (NLĐ) mà được quyền nghỉ hưu sớm cũng cần phải đảm bảo chế độ BHXH được hưởng ở mức cao nhất (không tính giảm tỷ lệ hưởng) bởi bản thân NLĐ đã làm công việc nặng nhọc dài trong quá trình lao động cống hiến cho xã hội (tương xứng với công sức). Và những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu chung như những lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt được quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.
Lý giải về kiến nghị này, ông Giang cho rằng, NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn chính là nhóm lao động thấp hơn. Sẽ có rất ít NLĐ ngành Dệt may được hưởng chế độ hưu do không thể làm đến  đủ tuổi nghỉ hưu vì tính chất công việc ngành nghề. Điều đó vô hình trở thành rào cản cạnh tranh cho doanh nghiệp gây bất ổn đến đời sống của NLĐ.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10 phát biểu đề xuất ý kiến
Về thời giờ làm thêm, ông Thân Đức Việt cho biết đặc thù ngành may làm việc theo mùa vụ, mỗi năm chỉ có 6-8 tháng nhiều việc, còn lại là các tháng ít việc, nên muốn làm nhiều cũng không có việc. Vì thế, theo Tổng công ty May 10, nếu người lao động đồng ý thì cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ và đợi khi nào kinh tế đất nước tốt hơn thì mới tính đến việc giảm giờ làm việc trong tuần xuống 44 tiếng.
Đại diện May 10 lý giải, do đặc thù lao động trong ngành dệt may thường phải sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác, có những đơn đặt hàng yêu cầu thời hạn rất ngắn, do vậy trong một khoảng thời gian nhất định, DN phải tập trung cao nhất, huy động mọi nguồn lực. Tuy nhiên hiện nay DN vẫn phải thực hiện quy định làm thêm giờ như quy định là không quá 30 giờ/ 1 tháng và  200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt mới được phép 300 giờ/ năm ảnh hưởng không nhỏ tới đến tiến độ sản xuất của DN.
Đồng thời, do tính chất đặc thù là gia công là theo thời vụ, đơn hàng ngắn, nhỏ lẻ … nên làm thêm giờ có tính tất yếu với thực tế hiện nay, vấn đề là làm thêm trong khung hợp lý cho phép và tuân thủ các chế độ cho NLĐ. Làm thêm không phải NSDLĐ mong muốn vì sẽ bị tăng chi phí, năng suất cũng không cao nhưng không giao được đơn hàng thì coi như mất đơn hàng hoặc giao máy bay thì coi như lỗ và phải bù lương, anh hưởng năng lực cạnh tranh và hấp dẫn thu hút đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam với khu vực.
Vì vậy, kiến nghị mà May 10 đưa ra là tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300giờ/năm thêm 100 giờ lên 400 giờ/năm; Tăng trần tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ/tháng hoặc bỏ quy định về trần số giờ làm thêm trong tháng và cần có quy định cụ thể các trường hợp được thỏa thuận làm thêm giờ đến 400 giờ/năm. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh theo hướng là bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 đề xuất kiến nghị về chính sách lao động, tiền lương
Liên quan đến tiền lương làm thêm giờ, ông Thân Đức Việt cho rằng quy định như hiện nay về tiền lương làm thêm giờ bằng "ít nhất là 150% khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, 200% khi làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần, 300% khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương” là hợp lý và nên giữ nguyên. Mức quy định  này được coi là hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động. Quy định cao hơn nữa sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.
Về thời giờ làm việc, ông Việt nhấn mạnh đề nghị giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần như hiện nay. Việc giảm giờ làm việc bình thường như dự thảo sẽ càng tăng khó khăn thêm cho doanh nghiệp (khó khăn kép). Đa số các Quốc gia trong khu vực vẫn đang áp dụng mức 48 giờ / tuần. Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài đề nghị chưa giảm thời gian làm việc bình thường vì chi phí lao động ở Việt Nam hiện không còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nhảy việc của lao động cao (khoảng 30%/năm) nên không có đủ lao động để hoàn thành các hợp đồng.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật bản khảo sát sơ bộ 56 doanh nghiệp Nhật cho thấy nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ thì phải tuyển thêm 30.000 lao động trong bối cảnh rất khó tuyển dụng lao động và tính toán sơ bộ giảm 4 giờ làm việc/ tuần, tức giảm 8,4%, thì sẽ giảm 8,4% kim ngạch xuất khẩu - giảm 21 tỷ USD trong số 250 tỷ USD và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân và ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.
Về chấm dứt hợp đồng lao động, Tổng Công ty kiến nghị Sửa đổi quy định tại Khoản 3 điều 155 Bộ luật lao động hiện hành đối với lao động nữ vi phạm Khoản 3 điều 126 doanh nghiệp được quyền ra quyết định sa thải. Đối với việc vi phạm kỷ luật lao động không phân biệt nam nữ, nuôi con nhỏ. Xem xét lại việc tính trợ cấp thôi việc giống trợ cấp thất nghiệp = 60% mức tiền lương và tối đa không quá 12 tháng. Ông Thân Đức Việt lý giải, thực tế tại May 10 có rất nhiều trường hợp lao động nữ tự ý bỏ việc. Hiện nay, thực tế tại May 10 có rất nhiều trường hợp lao động nữ tự ý bỏ việc (không đến công ty làm việc, không thông báo cho NSDLD, gọi điện không nghe máy). Đơn vị phải làm thủ tục sa thải do vi phạm kỷ luật lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 126 Bộ luật lao động và theo nội quy, quy chế của Tổng Công ty. Tuy nhiên theo Khoản 3 Điều 155 Bộ Luật lao động doanh nghiệp không thể làm thủ tục ra quyết định sa thải cho những trường hợp này cho đến khi con của họ đủ 12 tháng tuổi. Từ dó dẫn đến việc không báo giảm hẳn được bảo hiểm xã hội cho người lao động, không chốt được sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Hơn nữa, trong thực tế có nhiều lao động tự ý bỏ việc sau đó đi làm ở đơn vị khác nhưng không chốt được sổ ở đơn vị cũ nên không đóng Bảo hiểm xã hội được ở đơn vị mới. Điều này gây khó khăn cho cả 2 doanh nghiệp và làm thiệt thòi cho quyền lợi của bản thân người lao động. Làm cho tính đúng đắn của quan hệ lao động bị ảnh hưởng sai lệch.
Điều chỉnh, sửa đổi Bộ luật Lao động phải  dựa trên cơ sở thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của hội nhập và cam kết quốc tế
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xúc, gặp gỡ người lao động của Tổng Công ty May 10
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ sự phấn khởi khi thấy mô hình, hướng đi của Tổng Công ty May 10 đã "vì người lao động", nên đời sống người lao động và thu nhập của họ cũng ổn định. "Nơi nào lương cao, đảm bảo an sinh phúc lợi, tạo thu nhập ổn định, chăm lo sức khỏe, đầu tư trường học cho người lao động và con em họ… thì người lao động sẽ gắn bó, không bỏ việc, và tôi thấy sự ổn định, gắn bó của 12.000 người lao động đối với Tổng Công ty May 10" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Tổng Công ty tiếp tục tổng kết thực tiễn, duy trì những gì đặc trưng của mình tạo ra một Tổng công ty phát triển bền vững trong ngành dệt may. Phấn đấu trong thời gian tới là doanh nghiệp mạnh, năng suất lao động cao, công nghệ đổi mới nhưng phải đồng bộ quan tâm đến đời sống, văn hóa, đào tạo bồi dưỡng cho người lao động. Đây chính là mô hình mà doanh nghiệp cần áp dụng và duy trì để phát triển bền vững, bắt kịp với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Liên quan đến thời giờ làm thêm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc làm thêm giờ là cần thiết. Kinh nghiệm cho thấy nước càng nghèo thì thời gian làm thêm càng nhiều. Do đó, việc cân nhắc thời gian làm thêm như thế nào cho phù hợp để đảm bảo thực hiện mục tiêu vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển nhưng cũng đồng thời chăm lo cho người lao động.
Theo Bộ trưởng, một số ngành nghề áp lực về thời gian làm thêm như: dệt may, thủy sản, linh kiện điện tử, nông nghiệp và trong một số điều kiện cụ thể như hỏa hoạn, thiên tai... cần có điều chỉnh từng bước phù hợp. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ linh hoạt điều này.
Về vấn đề lao động nữ, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, xu hướng chung của thế giới là tạo điều kiện theo hướng phát triển quyền lựa chọn của phụ nữ, trên cơ sở đảm bảo vai trò của người phụ nữ được lựa chọn một cách phù hợp. Những nội dung liên quan đến lao động nữ, đến quyền lợi của người lao động thì cần phải được quan tâm, những gì tiến bộ, những gì phù hợp với các công ước quốc tế mà ta đã tham gia thì phải tuyệt đối tuân thủ, thực hiện nghiêm – Bộ trưởng Đào gọc Dung nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có những điều của Bộ luật Lao động còn liên quan đến nhiều luật khác về hình sự, bình đẳng giới, công đoàn... nên ban soạn thảo sẽ tính toán, cân nhắc để phù hợp với các điều luật khác.
Đề cập đến vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, theo Bộ trưởng đây là xu hướng tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Bộ trưởng cho rằng phải có tầm nhìn xa, đưa ra quyết sách phải dựa trên cơ sở lợi ích lâu dài của đất nước, của nhân dân. Nếu chúng ta không làm bây giờ thì con cháu chúng ta sẽ phải gánh hậu quả thiệt thòi sau này.
Bộ trưởng nêu rõ, chỉ những người lao động bình thường mới đủ điều kiện tăng dần tuổi nghỉ hưu; còn trường hợp suy giảm sức khoẻ, giảm khả năng lao động, người làm việc nặng nhọc, độc hại, công việc đặc biệt... thì tuổi nghỉ hưu có thể giảm 5 năm.
Về những ý kiến góp ý Bộ luật Lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có những điều của Bộ luật Lao động còn liên quan đến nhiều luật khác về hình sự, bình đẳng giới, công đoàn... nên ban soạn thảo sẽ tính toán, cân nhắc để phù hợp với các điều luật khác. Bộ trưởng ghi nhận những ý kiến góp ý và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ tổng hợp, nghiên cứu đưa vào hoàn thiện Dự thảo Bộ luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 20/9 tới./.

Mỹ Hạnh

TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật