Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cơ hội rộng mở đối với điều dưỡng viên Việt Nam sang Đức làm việc
(LĐXH)- Trong chuyến thăm và làm việc tại CHLB Đức (từ ngày 23 - 27/9/2019), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH đã đến thăm các điều dưỡng viên Việt Nam đang học tập, làm việc ở Công ty Vivantes - Diễn đàn cho người cao tuổi CHLB Đức (tại thủ đô Berlin).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gặp gỡ, hỏi thăm tình hình công việc, tiền lương, thu nhập, đời sống của các điều dưỡng viên Việt Nam; Công ty Vivantes có những định hướng như thế nào trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh các nước có nhu cầu lớn về điều dưỡng viên như Nhật Bản, Cộng hòa Séc...
Chúc mừng các học viên đạt được kết quả cao trong kỳ thi để sang Đức làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ân cần dặn dò các học viên cần tiếp tục tập trau dồi ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, nhanh chóng hòa nhập, làm việc hiệu quả, kết thúc làm việc ở Đức trở về Việt Nam, có cơ hội lập nghiệp và xây dựng đất nước tốt hơn.
Các học viên vui mừng khi biết mặc dù thời gian công tác ở Đức rất bận rộn, nhưng Bộ trưởng vẫn dành thời gian đến thăm hỏi và đối thoại để nắm bắt tình hình học tập, làm việc, thu nhập và đời sống của các học viên.
"Bộ Lao động - TBXH, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất quan tâm đến hợp tác này. Đặc biệt, Bộ Kinh tế và Năng lượng của Đức mong muốn Việt Nam hợp tác với 4 bang của Đức về cung cấp điều dưỡng viên. Năm 2013, Công ty Vivantes mới chỉ tiếp nhận được 19 điều dưỡng viên Việt Nam đến làm việc. Tuy nhiên, đến năm 2019 thì con số này đã lên đến 282 điều dưỡng viên, điều đó thể hiện những thành công bước đầu khá tích cực trong quan hệ hợp tác này" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ông Rene Herrmann mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Lao động - TBXH để lựa chọn được những học viên phù hợp nhất. Được biết, từ 01/01/2020, tiền lương khởi điểm của điều dưỡng viên làm việc tại CHLB Đức là 3.000 Eu/tháng.
Tại buổi thảo luận, các đại diện bạn cho biết, quan hệ lao động được Đức quan tâm và giải quyết khá tốt, có rất ít cuộc đình công xảy ra do các nghiệp đoàn thường xuyên quan tâm tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động để có những điều chỉnh kịp thời.
Chính phủ Đức chú trọng công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh phổ thông từ rất sớm, điều này góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế. Đặc biệt với mô hình đào tạo nghề kép. Với hệ thống đào tạo này, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và 30% còn lại ở các trường nghề. Mô hình này là đảm bảo một phần thu nhập cho người học nghề và việc làm cho họ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Tháng 9/2019 Việt Nam cùng Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO) tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ILO (1929 - 2019), cũng là dịp kỷ niệm 100 năm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ lao động và an sinh xã hội thể hiện trong bức thư của Người gửi tới Hội nghị Hòa bình Paris đòi quyền tự quyết cho nhân dân Việt Nam. Trong đó có quyền được "tự do hội họp và quyền được học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp", có nhiều điểm tương đồng với các Công ước của ILO sau này.
“Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của ILO và đã tham gia ký kết 24 công ước quốc tế, trong đó có 6 Công ước cơ bản. Tháng 6/2019, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Công ước số 98 và hiện nay đang tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động, những nguyên tắc cơ bản của các Công ước 98, 87 và 105 đều được quy định trong Bộ luật Lao động, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề việc làm thoả đáng. Theo kế hoạch, đầu năm 2020, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder sẽ sang thăm Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và ILO” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) có quy định việc hình thành nhiều tổ chức đại diện của người lao động trong doanh nghiệp và dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Về tiến trình gia nhập các công ước của ILO, dự kiến tháng 5/2020, Quốc hội sẽ thông qua Công ước 105 và năm 2022 sẽ thông qua Công ước 87.
“Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề quan hệ lao động về cơ chế đối thoại thường xuyên và đối thoại đột xuất khi có những vấn đề phát sinh khi cần có thoả luận để thống nhất như vấn đề thoả ước lao động tập thể, thương lượng tập thể, vấn đề tranh chấp lao động, đình công… Vị trí, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động (sửa đổi). Chúng tôi luôn tôn trọng 3 nguyên tắc trong quan hệ lao động: ổn định, hài hoà và tiến bộ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng, từ sự chủ động trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, CPTPP, EVFTA đặc biệt là vấn đề phát triển bao trùm của các hiệp định này như: vấn đề kỹ năng nghề nghiệp, việc làm thoả đáng và an sinh xã hội. Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm với các quy định của các hiệp định này.
Đại diện ILO đã đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam trong việc thực hiện các Công ước và có nhiều bước tiến quan trọng nhằm đẩy mạnh quan hệ lao động, đặc biệt là việc tham gia 24 Công ước của ILO, đặc biệt là 6 công ước cơ bản của ILO.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Các chia sẻ của các chuyên gia rất có ý nghĩa, dựa trên quan hệ 3 bên - đây là một nguyên tắc rất cơ bản của ILO, trong quá trình hội nhập, đặc biệt là việc tham gia các FTA, EVFTA. Cảm ơn những chia sẻ của các chuyên gia, đặc biệt trong vấn đề quan hệ lao động và giáo dục nghề nghiệp là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay.
Chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác Bộ Lao động - TBXH tại CHLB Đức với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Đức (GIZ) đã kết thúc tốt đẹp. Bộ trưởng đã bày tỏ sự cảm ơn sự quan tâm hợp tác của GIZ đối với Bộ Lao động – TBXH trong lĩnh vực lao động, dạy nghề và an sinh xã hội và bày tỏ mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực trên.
Trần Thắng
TAG: