Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang chủ động triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(LĐXH) – Với mục tiêu thực hiện tốt chính bảo hiểm thất nghiệp, Ban lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang luôn quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên và người lao động cần nêu cao tinh thần làm việc tận tâm, có trách nhiệm, đảm bảo thực hiện nhận và trả kết quả các hồ sơ về BHTN kịp thời theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với phòng chức năng thuộc UBND các huyện tổ chức kiểm tra, giám sát việc chi trả chính sách BHTN tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra giám sát công tác thực hiện BHTN tại các văn phòng đại diện và các văn phòng ủy thác.

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ và giải đáp thắc mắc cho người lao động về chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo báo cáo số 07/BC-TTDVVL ngày 05/01/2025 của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang, tổng số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức ở tỉnh Kiên Giang có 9.934 đơn vị, trong đó có 3.350 đơn vị thuộc đối tượng tham gia BHTN và có 2.863 đơn vị đã tham gia BHTN; 86.875 người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 82.830 người đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Có được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của tập thể Ban Giám đốc, cán bộ, nhân viên và người lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Kiên Giang là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Sở Nội vụ cùng các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho Trung tâm thành lập và kiện toàn các văn phòng đại diện cũng như văn phòng uỷ thác góp phần giải quyết tốt chế độ BHTN cho người lao động. Bên cạnh đó, Cục Việc làm đã ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ tương đối đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và đáp ứng yêu cầu giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, năm 2024, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu một số công ty, doanh nghiệp không có đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự nên số lượng lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng theo hàng tháng. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo phòng BHTN bố trí nhân lực cũng như tăng cường công tác tiếp nhận, giải quyết kịp thời, không để hồ sơ tồn đọng hoặc trễ hẹn, đồng thời tăng cường tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho đối tượng thất nghiệp giúp người lao động sớm quay lại thị trường lao động, ổn định cuộc sống.

Công tác phối hợp với phòng chuyên môn thuộc Sở Nội vụ trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHTN liên quan đến người lao động, người sửng dụng lao động luôn nhịp nhàng, đồng bộ. Quá trình phối hợp với BHXH tỉnh, huyện, thành phố trong việc chi trả tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động và điều chỉnh một số sai sót trong quá trình tham gia BHTN của người lao động ngày càng được hoàn thiện, kịp thời. Công tác tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp ngày càng đa dạng với nhiều hình thức như: tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, cà phê việc làm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHTN ở Kiên Giang cũng còn một số khó khăn do tình trạng người lao động có việc làm không thông báo đúng thời gian quy định dẫn đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp và thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đúng quy định, mặc dù đã được tư vấn và cảnh báo nhưng vẫn có trường hợp cố tình vi phạm, khai báo không trung thực, thậm chí khi bị phát hiện sai phạm vẫn không cung cấp hợp đồng lao động. Trên thực tế, khó thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong các trường hợp, chuyển nơi cư trú sau khi hết hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi đó, người hưởng thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, nhận thức còn hạn chế, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách. Đa số người lao động chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp mà chưa chú ý đến chính sách hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm. Vì vậy, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề chưa phát huy hiệu quả như mong muốn./.
Hữu Bắc
TAG: