Nhìn lại vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp sau hơn 16 năm thực hiện
(LĐXH) - Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện, bảo hiểm thất nghiệp đã khẳng định là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Hệ thống dịch vụ việc làm công với vai trò chủ lực trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đã từng bước phát triển để giúp cho việc điều tiết thị trường lao động, kết nối cung và cầu lao động...

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang phát huy vai trò đồng hành, sẻ chia cùng người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, giúp người lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống và là “điểm tựa” trong việc bù đắp một phần thu nhập cho lao động bị mất việc cũng như góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp được người lao động và người sử dụng lao động đón nhận một cách tích cực và dư luận xã hội đánh giá cao: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 10/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013; Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp…

Nếu như năm 2009 khi bắt đầu triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp có khoảng 6 triệu người tham gia với số thu là 3.500 tỷ đồng thì tính đến cuối năm 2024 đã có 16,10 triệu người tham gia với số thu là 25.521 tỷ đồng, tiền lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 6 đồng/tháng; kết dư quỹ ước khoảng trên 67 nghìn tỷ đồng. Tổng số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp đến nay đã đạt trên 10 triệu lượt người, cao nhất là năm 2020 (1,087 triệu người). Đặc biệt giai đoạn đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp và hàng triệu người lao động thì chính sách bảo hiểm thất nghiệp càng phát huy vai trò là bệ đỡ thị trường lao động của mình (hỗ trợ tiền mặt cho hơn 13 triệu lao động, giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 440 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền là hơn 41 nghìn tỷ đồng từ phần kết dư của Quỹ).
Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được đặc biệt quan tâm, các trung tâm dịch vụ việc làm đã tập trung triển khai thực hiện, đa dạng hóa các hình thức và cải tiến quy trình thực hiện, số người được tư vấn và giới thiệu việc làm đã tăng đáng kể từ năm 2010 đến năm 2024. Năm 2010 chỉ có 125.562 người, trong khi năm 2024 con số này là 2.289.018, tức là tăng gần 18 lần.
Công tác hỗ trợ học nghề đã có những chuyển biến tích cực, tổng số người được hỗ trợ học nghề trong giai đoạn này là 316.507 người, có sự tăng trưởng rõ rệt qua các năm, từ 1.036 người (2011) lên 23.746 người (2024). Tuy nhiên, mức tăng không đều, có một số năm sụt giảm hoặc chững lại, đặc biệt là vào năm 2020 (26.506 người) do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19./.
NHB
TAG: