An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống người dân
10:16 AM 21/06/2025
(LĐXH)-Sáng 20/6/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức buổi Họp báo giới thiệu kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại buổi Họp báo

Tham dự, có ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.
Thực hiện quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, hệ thống tổ chức bộ máy chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã được thành lập, kiện toàn từ trung ương đến địa phương, bảo đảm hoạt động thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Tại Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp tục được duy trì, kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, làm đầu mối tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng được điều chỉnh tại Quyết định số 528/QĐ-BNNMT ngày 28/3/2025. Với Chương trình giảm nghèo bền vững, trước ngày 01/3/2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, đã kiện toàn Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo. Sau khi chuyển giao về Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ đã tiếp nhận và tiếp tục quản lý, điều phối chương trình, kế thừa nền tảng từ giai đoạn trước.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo phát biểu tại buổi Họp báo

Tại địa phương, bộ máy tham mưu giúp việc được duy trì theo mô hình phù hợp với điều kiện thực tế: Đối với Chương trình xây dựng xây dựng nông thôn mới: có 61/63 tỉnh, thành đã kiện toàn Văn phòng Điều phối cấp tỉnh (chủ yếu đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Về Chương trình giảm nghèo bền vững: có 12/63 tỉnh duy trì Văn phòng giảm nghèo; 50 tỉnh thành lập Tổ công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường); nhiều huyện bố trí Tổ công tác tại Phòng Nông nghiệp và Môi trường.
Về nguồn vốn: tổng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là 41.264,8 tỷ đồng; tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình, bao gồm: 32.039 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 9.225 tỷ đồng vốn sự nghiệp. Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2024 đạt khoảng 80,6% kế hoạch. Tính đến ngày 30/4/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 29,3% kế hoạch vốn được giao; vốn sự nghiệp đạt 6,4% dự toán được giao.

Các đại biểu tham dự buổi Họp báo

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng vốn đã giao giai đoạn 2021-2025 là 44.607 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 03/2025, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2024 là 27.475 tỷ đồng, đạt 78,94% so với giai đoạn 2021-2024 và đạt 61,68% so với giai đoạn 2021-2025. Đối với nguồn vốn năm 2025 (bao gồm nguồn vốn các năm trước chuyển sang), đến hết tháng 4/2025, vốn đầu tư phát triển giao giải ngân đạt khoảng 26,8% kế hoạch, vốn sự nghiệp giải ngân đạt khoảng 6,1% so với dự toán được giao.
Về kết quả thực hiện, sau gần 05 năm triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 1,93% vào cuối năm 2024, vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,86%. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 12,55%. Trong giai đoạn từ 2021-2024, đã hỗ trợ thực hiện hơn 10.000 mô hình, dự án giảm nghèo, thu hút trên 200.000 hộ dân tham gia; hỗ trợ kết nối việc làm cho gần 125.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 90.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tính đến tháng 5/2025, cả nước đã có 6.055/7.669 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 80%; 326 đơn vị cấp huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 23 tỉnh có 100% xã đạt chuẩn, và 10 tỉnh đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 05 năm, tổng nguồn lực huy động đạt khoảng 3,7 triệu tỷ đồng. Về chương trình OCOP, đến tháng 6/2025, cả nước có 16.543 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên, tăng hơn 12.000 sản phẩm so với năm 2020, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn gắn với đặc thù và lợi thế từng địa phương.
Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Võ Văn Hưng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Hai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được khẳng định là chủ trương lớn, đúng đắn, nhất quán và hợp lòng dân, góp phần hiện thực hóa các định hướng lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Quá trình triển khai đã từng bước đổi mới tư duy phát triển nông thôn và giảm nghèo theo hướng đa chiều, toàn diện, gắn kết giữa sản xuất, đời sống, môi trường và xã hội. Hai Chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và nhóm yếu thế.
Cũng theo Thứ trưởng Võ Văn Hưng, để nâng cao hiệu quả thực hiện hai Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng định hướng hợp nhất hai Chương trình thành một Chương trình thống nhất trong giai đoạn 2026-2035. Việc hợp nhất không chỉ là bước đi chiến lược để nâng cao hiệu quả đầu tư công, tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn thể hiện rõ quan điểm phát triển: Lấy người dân làm trung tâm, cộng đồng làm nền tảng, hướng đến một Việt Nam thịnh vượng, bao trùm, dân chủ và hạnh phúc.
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết hai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững để tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả đạt được, đồng thời nhận diện những khó khăn, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH của tháng 5/2025 sớm hơn dự kiến
Quảng Nam: Triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc miền núi ở Bình Thuận
TP.HCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 5 muộn hơn thường kỳ
Mỗi gia đình là một pháo đài trong cuộc chiến phòng chống và kiểm soát ma tuý
Quảng Trị: Tích cực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo Đakrông
Vợ chồng Lâm Vỹ Dạ – Hứa Minh Đạt ủng hộ 50 triệu đồng cho trẻ em khó khăn trong Chương trình “Ươm mầm ước mơ”
Trà Vinh: Đẩy mạnh truyền thông và giảm nghèo về thông tin
Thái Nguyên: Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đạt và vượt so với mục tiêu được giao