Phát triển sinh kế cho người dân gắn liền với bảo tồn loài Chà vá chân xám ở xã Tam Mỹ - thành phố Đà Nẵng
(LĐXH) - Voọc Chà vá chân xám là loài thú linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, có phạm vi ở 04 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) gồm: thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Gia Lai và tỉnh Đăk Lăk, số lượng tự nhiên ước khoảng 2.500 cá thể. Riêng tại xã Tam Mỹ - thành phố Đà Nẵng, hiện đang có 75 cá thể Chà vá chân xám đang sinh sống, để không bị mai một cũng như bảo tồn và phát triển đảm bảo sinh cảnh sống cho loài động vật quý hiếm này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng gia đình cư dân ở khu vực này.

75 cá thể Voọc Cà vá chân xám ở xã Tam Mỹ - thành phố Đà Nẵng
Chà vá chân xám (CVCX) thuộc nhóm IB trong danh mục động vật rừng quý, hiếm, và thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp (CR) trong sách Đỏ Việt Nam 2023, vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn loài CVCX, trong đó có Quyết định 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2030.
Từ năm 2018 đến nay, CVCX tại khu vực xã Tam Mỹ được cộng đồng người dân địa phương, các sở ban ngành, chính quyền các cấp, cùng các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm, nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát triển. Điển hình là Trung tâm GreenViet, thời gian qua, đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch và giải pháp góp phần quản lý, bảo vệ hiệu quả loài động vật quý hiếm này. Chỉ tính từ năm 2018, từ 30 cá thể đã tăng lên 75 cá thể trong năm 2024, quần thể đang sinh trưởng phát triển ổn định, nhiều gia đình CVCX có tỷ lệ sinh trưởng cao sau mỗi năm.
Tuy nhiên, có một thực tế diện tích rừng là sinh cảnh sống của quần thể này chỉ có 31,64 ha rừng tự nhiên nghèo và bị chia cắt bởi 04 ngọn núi gồm: Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông và Dương Bản Lầu. Đây là một dãy rừng hẹp trên đỉnh núi đá, chiều ngang dao động khoảng 50m - 150m và đứt quãng bởi các rẫy trồng keo của người dân. Vì những lý do này mà quần thể đang đối diện với nhiều mối đe dọa từ yếu tố tự nhiên như: thiếu thức ăn, nơi ở, thời tiết cực đoan, nguy cơ thoái hóa nguồn gien do giao phối cạnh huyết, suy thoái đa dạng sinh học; và các tác động từ con người như nguy cơ cháy rừng, săn bắn, bẫy bắt, tiếng ồn...

Tiếp tục có những kế hoạch và giải pháp bảo tồn và phát triển Voọc Cà vá chân xám
…đến mở rộng, kết nối sinh cảnh, đa dạng sinh trưởng, phát triển
CVCX ở xã Tam Mỹ là quần thể duy nhất trên thế giới dễ dàng quan sát được ngoài tự nhiên, vì thế các cấp, các ngành, các tổ chức nghiên cứu bảo tồn động vật quý hiếm cũng như chính quyền địa phương cần mở rộng và kết nối sinh cảnh sống cho quần thể CVCX thông qua mở rộng diện tích rừng tự nhiên từ 30 ha lên 60 ha theo hướng kết nối sinh cảnh sống của 04 hòn núi từ Hòn Dồ, Hòn Ông, Dương Bông đến Dương Bản Lầu. Đây có thể coi là giải pháp quan trọng ví như “chìa khóa” giúp mở rộng ngôi nhà sống cho loài động vật quý hiếm này trong tương lai, bởi nguy cơ suy thoái tính đa dạng nguồn gien do giao phối cạnh huyết là một tất yếu và không thể ngăn cản được.
Để thực hiện được giải pháp này, các cấp chính quyền địa phương phải có bản lĩnh chính trị mạnh mẽ, quyết tâm thể hiện bằng hành động nhanh chóng có quyết định thu hồi 30 ha nương rẫy đang trồng keo xen giữa 04 hòn núi, xác lập ngay 60 ha rừng đặc dụng theo Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 với tên gọi là Khu bảo tồn loài – Sinh cảnh Voọc Chà vá chân xám theo Quyết định số 895/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 24/8/2024; trồng, phục hồi, chăm sóc 30 ha diện tích rừng đã thu hồi, đền bù nhằm đảm bảo sinh cảnh sống cho CVCX và đa dạng sinh học (hiện 30ha rừng này có 176 loài động vật hoang dã với 10 loài quý, hiếm và 147 loài thực vật với 06 loài quý, hiếm…)
Tiếp đó, có những chính sách về lâm nghiệp, nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân chuyển đổi từ trồng keo tại các rẫy xung quanh 60 ha rừng sang trồng rừng cây gỗ lớn dài ngày với mục tiêu đến năm 2050 tạo được khoảng 300 ha rừng cây gỗ lớn với định hướng tăng thêm môi trường sống cho các loài động vât, thực vật, tạo vùng đệm sinh thái mềm để bảo vệ sinh cảnh sống chính của loài CVCX cũng như tạo sinh kế bền vững, lâu dài cho người dân theo hướng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động nghiên cứu, giám sát tập tính, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, tính đa dạng nguồn gien và sức chứa của môi trường; khuyến khích các nhà khoa học, sinh viên tiến hành các nghiên cứu sâu về loài, về đa dạng sinh học, về rừng và các diễn thế sinh thái làm cơ sở khoa học hình thành các giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn loài CVCX và đa dạng sinh học của địa phương.
Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng, chủ động tổ chức các chiến dịch, chương trình truyền thông nâng cao nhận thức trên toàn bộ địa bàn xã Tam Mỹ. Đẩy mạnh hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh tại các trường học thông qua chương trình ngoại khoá. Đặc biệt, lồng ghép nội dung bảo tồn loài Chà vá chân xám hướng tới mục tiêu phục vụ cho sự phát triển kinh tế của địa phương và người dân bản địa.

Gắn du lịch sinh thái với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương
…và phát triển sinh kế gắn với bảo tồn loài Chà vá chân xám
Việc bảo tồn, quản lý di sản thiên nhiên cũng như các loài động vật quý hiếm không chỉ giữ cho cảnh quan xanh, sạch đẹp mà còn bảo vệ sinh thái, đa dạng sinh học và môi trường sống cho các loài động vật và thực vật. Bên cạnh đó, giữ cho văn hóa, truyền thống của địa phương trở nên độc đáo, tạo điểm nhấn cho du lịch phát triển và bảo tồn các giá trị văn hoá. Phát triển du lịch sinh thái theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn dựa vào cộng đồng hay du lịch khám phá là những kế hoạch cần tính đến trong tương lai gần của Đảng uỷ, chính quyền và người dân xã Tam Mỹ, trước tiên là đẩy mạnh các hoạt động du lịch theo hướng vườn rừng, vườn nhà, vườn thực vật, trang trại xanh và tham quan cảnh quan tự nhiên của địa phương. Tổ chức các tour tham quan, học tập, nghiên cứu loài CVCX và đa dạng sinh học, đây là một trong những hướng du lịch được yêu thích hiện nay và tương lai.
CVCX là loài nguy cấp, quy hiếm nhưng với quy mô diện tích rừng làm sinh cảnh sống không lớn, cũng như được cộng đồng địa phương quyết tâm bảo vệ, đặc biệt là sự tự nguyện của nhóm Tiên phong bảo tồn loài CVCX, những kế hoạch và định hướng phát triển cũng như gắn kết với du lịch sinh thái là những nhiệm vụ cần gấp rút triển khai thực hiện và tuân thủ theo hướng phát huy mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng cũng như niềm tự hào, phát huy nội lực của người dân. Ngoài ra, nên tiếp tục nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý OECM – Biện pháp bảo tồn hiệu quả các khu vực nằm ngoài khu bảo tồn dưới sự quản lý và điều hành công bằng bởi nhiều chủ thể và tác nhân khác nhau, bao gồm người dân bản địa và cộng đồng địa phương, các cơ quan chính phủ, cũng như các tổ chức tư nhân và cá nhân có liên qua để quản lý, bảo vệ và bảo tồn toàn bộ diện tích rừng ngoài rừng đặc dụng. Từ đó, tạo nên sự bền vững không những về mặt cảnh quan cho cả khu vực mà còn chú trọng cho 60 ha rừng ưu tiên bảo tồn loài CVCX.
Về vấn đề này, ông Bùi Văn Hoàng – Bí thư Đảng uỷ xã Tam Mỹ cho biết: “Xã Tam Mỹ là địa bàn có giao thông thuận tiện, không cách quá xa trung tâm thành phố Đà Nẵng nên rất có cơ hội để trở thành một trong những điểm du lịch hút khách của thành phố đáng sống. Ngoài việc tiếp tục có những kế hoạch, giải pháp bảo tồn và phát triển loài CVCX, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên của địa phương, Tam Mỹ cũng đang có những định hướng thành lập Trung tâm diễn giải môi trường và phát triển các sản phẩm truyền thống đồng thời khai thác hiệu quả các cảnh quan thiên nhiên như danh thắng Hồ Giang Thơm, Hồ Đồng Nhơn… đón tiếp, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, học tập, trải nghiệm, với nhiều mô hình xanh, tuần hoàn và bền vững, từng bước khẳng định vị thế của Tam Mỹ về du lịch sinh thái cũng như bảo đảm về an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới…”./.
Phương Anh – Hữu Bắc