Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Vĩnh Long “gõ cửa” từng doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp cận chính sách Nghị quyết 68
10:18 AM 31/08/2021
(LĐXH)- Ngày 30/8, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch thành lập các nhóm đến tận nơi “gõ cửa” các hộ kinh doanh, doanh nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn nắm quy định và thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Khi dịch bệnh Covid-19 phát sinh trên địa bàn, từ ngày 09/7/2021, tỉnh Vĩnh Long thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, hầu hết các hoạt động kinh doanh dịch vụ (trừ dịch vụ thiết yếu) phải tạm dừng hoạt động; theo chủ trương của UBND tỉnh, từ ngày 01/8/2021, những doanh nghiệp không đảm bảo theo phương án 3 tại chỗ phải tạm dừng hoạt động…
Chính vì vậy, toàn tỉnh có trên 90% các cơ sở, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều tạm dừng hoạt động, kéo theo lao động làm việc, phục vụ cho các hoạt động trên bị ảnh hưởng phải ngừng việc, tạm thời mất việc làm rất cần được hỗ trợ kịp thời. Dự kiến có khoảng 20.000 hộ kinh doanh và trên 70.000 lao động của hơn 1.100 doanh nghiệp (có tham gia bảo hiểm xã hội) bị ảnh hưởng, cần được hỗ trợ.
Qua đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, trong 12 nhóm chính sách, một số nhóm chính sách thuận lợi trong triển khai, như: Chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách hỗ trợ người điều trị Covid-19, cách ly y tế; Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch; Chính sách hỗ trợ cho vay vốn trả lương ngừng việc; Chính sách hỗ trợ đối với lao động tự do...

Nhiều công nhân, người lao động ở Vĩnh Long phải nghỉ hoặc giảm giờ làm do dịch bệnh Covid-19

Tuy nhiên, một số chính sách vẫn còn chậm, khó khăn trong triển khai thực hiện như: Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (hiện nay toàn tỉnh chưa có hồ sơ đủ điều kiện); Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc (mới chỉ có khoảng 1% số đối tượng cần được hỗ trợ được duyệt).
Nguyên nhân của việc chậm chễ là do công tác triển khai, hướng dẫn tại địa phương: UBND cấp xã (hộ kinh doanh), UBND cấp huyện (đối với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc). Bên cạnh đó, mặc dù tỉnh đã triển khai bằng nhiều hình thức, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế người dân đi lại; các đối tượng thụ hưởng chính sách còn lúng túng trong hiểu và tiếp cận nên chưa mạnh dạn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp (trong 5 nhóm chính sách thực hiện chậm chễ), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Long đã thành lập các nhóm để đến tận nơi “gõ cửa”, hướng dẫn nắm quy định và thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Cụ thể, sẽ có 02 nhóm chính, gồm: nhóm hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp cận chính sách (14 người); nhóm thẩm định hồ sơ, danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (09 người). Trong đó, nhóm thứ nhất sẽ trực tiếp và phối hợp với cán bộ phụ trách của UBND cấp xã, cán bộ phụ trách của UBND cấp huyện, Phòng Lao động –Thương binh và Xã hội để chủ động hướng dẫn hộ kinh doanh và doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ; đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát lập danh sách trình UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ theo quy định. Phấn đấu đến ngày 10/9/2021 có ít nhất 80% doanh nghiệp và hộ kinh doanh tiếp cận được chính sách theo quy định, trong đó có 30% hộ kinh doanh được hỗ trợ.
Ngoài các hình thức đã và đang triển khai như phát hành văn bản, triển khai trên hệ thống thông tin đại chúng, các nhóm phải chủ động liên hệ (thông qua gọi điện, kết nối zalo, trực tiếp đến đơn vị...) để hỗ trợ, hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nắm quy định và thực hiện lập hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ. Về hình thức lập hồ sơ, thực hiện trực tiếp bằng văn bản giấy hoặc thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia trực tuyến.
Trên cơ sở thông tin, mối liên hệ với hộ kinh doanh, doanh nghiệp, xây dựng và đưa vào nhóm zalo để hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cho đối tượng trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cập nhật thông tin, tiến độ, kết quả thực hiện từ khâu hướng dẫn, lập hồ sơ, trình phê duyệt và tổ chức chi trả làm cơ sở kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tổng hợp, báo cáo…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024