Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Việc làm, học nghề phù hợp: Nỗi lo không của riêng ai...
02:37 PM 05/02/2020
Đặt tên cho bài viết như thế, mà trong lòng cứ thấy lăn tăn.. Xuân về, vạn vật vui tươi, cây cối đâm mầm, nở hoa, kết trái mà lại đi nói về nỗi lo!? Nhưng suy đi nghĩ lại, cuộc đời là vậy, có vui, có buồn, có lo! Vấn đề là làm sao để vui nhiều hơn, buồn ít đi, nỗi lo giảm bớt. Muốn thế phải phân tich nguyên nhân của cái buồn để tìm ra giải pháp khắc phục. Không thể tự bó mình vào cách suy nghĩ của một thi nhân lãng mạn xa xưa “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.
Cách đây chưa lâu, tờ báo NiKKei – một tờ báo lớn của Nhật Bản, đã đăng tải một bài viết có tên là “Nỗi buồn của sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp”. Mặc dù có nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, một số lớn sinh viên tốt nghiệp đại học ở nước ta vẫn khó tìm được việc làm!
Trong bối cảnh chung về thị trường lao động, năm 2018 tỷ lệ thất nghiệp đã giảm chỉ còn ở  mức 2,1%; ở khu vực đô thị tỷ lệ này khoảng 3%. Như vậy, nhìn chung nước ta có khoảng 1 triệu người thất nghiệp, trong đó có trên dưới 20% là sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học, cao đẳng.
Năm 2018, có khoảng 200 ngàn sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học, cao đẳng thất nghiệp. Ảnh minh họa
Còn nhớ, bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, có phóng viên đặt câu hỏi với một quan chức cấp cao của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội: một triệu người thất nghiệp như vậy là nhiều hay là ít? Câu trả lời rất thuyết phục và dí dỏm: 1 triệu người thất nghiệp so với 4,4 triệu lao động của Singapo thì thật là kinh khủng!
Nhưng nếu so với 170 triệu lao động của nước Mỹ thì là muối bỏ biển! Trên thế giới này, có 20 nước tỷ lệ thất nghiệp từ 10 đến 20%; 60 nước thất nghiệp 5 đến 10%. Như vậy, Việt Nam ta lọt vào top 5% các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Tỷ lệ thất nghiệp và sự so sánh nêu trên sẽ rất vui với những nhà nghiên cứu về lao động – việc làm, rất đáng phấn khởi với các cơ quan thống kê; song cả về lý lẫn tình đối với trồng người trong số 1 triệu thất nghiệp ấy thì vui làm sao được? Lại càng rất buồn cho những thanh niên đã có công ăn học 3,4,5 năm hoặc lâu hơn nữa, tốn bao tiền bạc của gia đình, để rồi sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng, lại phải gia nhập đội quân thất nghiệp!? Với những người gọi là có việc làm (theo định nghĩa của Bộ Luật lao động: việc làm là các hoạt động có thu nhập, không bị pháp luật cấm) thì đến trên dưới một nửa làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo! Đây là đối với người học ở khối khoa học tự nhiên. Còn ở khối khoa học xã hội thì còn hơn nữa!
Ở nhiều đô thị lớn, không hiếm thấy cảnh sinh viên ra trường làm công việc bưng bê trong các nhà hàng, chạy xe ôm, phát tờ rơi quảng cáo... khá hơn thì làm gia sư.
Vậy còn có gì dẫn đến chuyện đáng buồn như thế?
Có người bảo, ta mở ra lắm trường đại học quá, số lượng sinh viên nhiều quá? Không đúng! Đến nay, 2019 cả nước có 235 trường đại học. Theo chủ trương của chính phủ, đến cuối năm 2020 số lượng này là 224 chẳng chênh lệch là bao. Tỷ lệ người học đại học ở Việt Nam trong khoảng tuổi thanh niên mới là 28,3%, thấp nhất thế giới! Của Thái Lan là 43%; của Malaysia là 48%. ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ này còn cao hơn nữa!
Lại có người nói, tại các công ty, doanh nghiệp yêu cầu cao quá, khắt khe quá nên các ứng viên không đáp ứng được! Cũng không phải, thực tiễn mấy năm gần đây cho thấy doanh nghiệp đang khát lao động, cả lao động giản đơn lẫn lao động phức tạp. Theo viện khoa học lao động và các vấn đề xã hội, ta đang thiếu nghiêm trọng nhân sự cấp cao “từ giám đốc điều hành cho đến cấp trưởng phòng, trưởng nhóm nghiên cứu, bán hàng, marketing, kỹ sư, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin...”.
Việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn là vấn đề cấp thiết. Ảnh minh họa.
Nhiều chuyên gia kinh tế lao động cho rằng hậu quả của “tốt nghiệp – thất nghiệp” là một tập hợp nhiều nguyên nhân: công tác hướng nghiệp chưa tốt dẫn đến chọn sai nghề, tư tưởng trọng bằng cấp còn nặng nề khiến thanh niên không xác định đúng thực học, thực nghiệp, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học chưa gắn chặt với giáo dục hướng nghiệp, một số ít trường đại học còn quá chú ý đến công tác tuyển sinh thông qua việc hạ thấp điểm sàn, điểm chuẩn khiến cho lượng sinh viên đầu vào sa sút chất lượng...
Cũng phải nói thêm việc giám sát việc cấp bằng đại học của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, trường hợp của đại học Đ.Đ gần đây là một ví dụ. Trắng trợn hơn nữa, người ta còn tổ chức mua bán bằng công khai: bằng đại học Quốc Gia 8 triệu; bằng đại học chính quy, tại chức 7 triệu; bằng cao đẳng 6 triệu... tất cả đều có kèm theo bảng điểm các môn học rất là chi tiết!
Hãy xem một quảng các trên mạng: “làm bằng đại học và tất cả các loại bằng trên toàn quốc. Uy tín chất lượng hàng đầu.
Làm việc: gặp trực tiếp, không yêu cầu đặt cọc nên không lo bị lừa đảo.
- Sau khi cung cấp đầy đủ thông tin thì chờ 2-3 ngày nhận bằng, hồ sơ công chứng.
- Nếu ở xa, hoặc cần gấp, sẽ làm nhanh, lấy trong ngày.
- Uy tín, đúng hẹn, phôi thật, tem thật.
Email: Nhà...789@gmail.com
Điện thoại: 0986.........
Cụ thể đến thế mà không bị “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn” thì quả là lạ lùng!
Đương nhiên những nhà tuyển dụng chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm không dễ bị qua mặt bằng các mảnh bằng giời ơi, đắt hỡi như vậy!
Song có lẽ nguyên nhân nổi bật nhất là lỗi tại bản thân người lao động, trong đó có các bạn sinh viên tốt nghiệp các cơ sở đào tạo đại học cao đẳng.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT nói: cứ 4 người thì 3 người mất việc vì kỹ năng lạc hậu. Không ít doanh nghiệp than phiền: sinh viên ra trường, có chuyên môn thì không giỏi ngoại ngữ, không thông thạo công nghệ thông tin. Hãy nghe ông Yamashita, tổng giám đốc một ngân hàng Nhật Bản: “...nhiều công ty và doanh nghiệp nước ngoài bất mãn về kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm của lao động Việt Nam!”
Còn ông Kumi, kỹ sư người Nhật nói: “tôi sang Việt Nam thấy người Nhật chúng tôi làm việc quá sức! Người Việt Nam ra về khi chưa hết giờ, đi làm muộn, nghỉ trưa quá dài!”
Khi chủ trì diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”, chínhThủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận xét, sinh viên tốt nghiệp kỹ năng và ngoại ngữ còn yếu!
Mới đây nhất, tại diễn đàn lao động Việt Nam 2019, ông Chong Hee Lee, giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh: Kỹ năng của người lao động (Việt Nam) chưa tương xứng với đòi hỏi của nền kinh tế.
Rồi đây, tiếp theo việc triển khai hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc ký kết và thực hiện hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) hàng vạn chỗ làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghiệp lắp ráp, công nghiệp chế biến, nông lâm nghiệp, du lịch...v.v đang đón chờ không chỉ các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, mà cả một số lớn thanh niên các trường nghề.
Vấn đề đặt ra là các cơ sở đào tạo của chúng ta sẽ làm gì để khắc phục những điểm yếu nói trên, các bạn trẻ sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thế nào để tự trang bị những kiến thức và kỹ năng tốt nhất, đáp ứng được đòi hỏi của doanh nghiệp, của thị trường lao động.
Chỉ có như vậy mới mau chóng làm vợi nhanh nỗi buồn, tăng thêm niềm vui, để có thể ca lên rằng:
“ Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày mới để yêu thương”.

TS.Nguyễn lê Minh

 
TAG:
Tin khác
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật