Vai trò của Bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động ở Kiên Giang
(LĐXH) - Năm 2019, Kiên Giang cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu về thực hiện chính sách BHTN. Hiện tỉnh đang bố trí các địa điểm tiếp nhận và giải quyết hưởng BHTN 7 vị trí là: Thành phố Rạch Giá, 3 văn phòng trực thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm đặt tại 3 huyện là Phú Quốc, Kiên Lương, An Biên và 3 nơi ủy thác tại phòng lao động huyện Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận...
Thực hiện quy định của Luật Việc làm, Trung tâm Dich vụ Việc làm đã tổ chức sắp xếp mô hình tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như: tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, xét duyệt và thẩm định hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động theo mô hình “Một điểm dừng”. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 7 điểm tiếp nhận và ủy thác tại các huyện, thành phố xa trụ sở chính nhằm giảm bớt chi phí, khó khăn khi đi lại của người lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Kiên Giang cho biết: “Những “điểm sáng” của chính sách BHTN trước hết là nhờ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đồng bộ, đầy đủ, kịp thời và theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giải quyết an sinh xã hội. Đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đã tương đối hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức, thực hiện, cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua thực hiện theo đúng nguyên tắc chia sẻ, hỗ trợ giữa những người tham gia BHTN. Các đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng tăng qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp đã hiểu đúng vai trò, vị trí của chế độ bảo hiểm thất nghiệp đem lại lợi ích cho họ. Cụ thể như, doanh nghiệp không phải chi trả trợ cấp thất nghiệp trợ cấp thôi việc, giảm bớt khó khăn về mặt tài chính. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp tham gia BHTN, sự gắn bó của người lao động với doanh nghiệp sẽ tốt hơn…”
Với người lao động, ngoài trợ cấp thất nghiệp, họ còn được tư vấn hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm. Nhiều trường hợp người lao động được hỗ trợ học nghề đã có việc làm mới, thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, có hai ưu điểm của chính sách cần nhấn mạnh. Đó là thông tin về thị trường lao động cho người lao động. Lao động thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm phải tiếp nhận nguồn thông tin tốt nhất về thị trường lao động. 100% lao động thất nghiệp hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian thất nghiệp. Điều này có ý nghĩa thiết thực cho người lao động, bảo đảm họ có thể khám, chữa bệnh ngay cả khi mất việc làm.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Kiên Giang cũng vẫn còn những hạn chế, do nhận thức về BHTN của người lao động và người sử dụng lao động chưa cao, nhiều lao động chưa nắm rõ thông tin về chính sách BHTN. Nhiều doanh nghiệp nợ BHTN. Đặc biệt, trên thực tế hiện chưa đủ công cụ để quản lý lao động có việc làm nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Vẫn còn tình trạng người lao động vừa đi làm vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mặt khác, thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp cũng gặp khó do không kiểm soát được việc người lao động di chuyển nơi ở, nơi làm việc tới địa phương khác. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện tại đã thay đổi tích cực, có lợi cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số lao động thất nghiệp.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền chính sách BHTN đến với doanh nghiệp và người lao động trên toàn tỉnh cũng như tăng cường phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh về việc kết nối dữ liệu thu Bảo hiểm xã hội để kịp thời phát hiện lao động thất nghiệp cũng như có việc làm... Từ đó chủ động đưa ra những tham mưu, giải pháp giúp người sử dụng lao động và người lao động có những điều chỉnh và kế hoạch trong từng giai đoạn cụ thể.
Tiếp đó, cũng đề xuất một số ý kiến về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ để đáp ứng yêu cầu của công việc mới. Xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên nhằm tăng cường sự liên kết. Có sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện BHTN. Nâng cao hơn chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm để thực hiện tốt tư vấn/ hỗ trợ việc làm - hướng giải quyết người thất nghiệp một cách bền vững nhất. Đặc biệt là chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, bảo đảm đồng bộ các yếu tố về công nghệ, kỹ thuật gắn kết với cải cách hành chính, phương thức làm việc trong tổ chức thực hiện BHTN./.
NHB
TAG: