Tuyên Quang giúp phụ nữ vươn lên trong đời sống xã hội và gia đình
(LĐXH)-Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được các cấp, ban ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện đạt nhiều kết quả khả quan qua việc thực hiện đồng bộ các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội.
Theo đó, hằng năm, Sở Lao động - TBXH hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch giai đoạn, thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với lao động nữ đạt nhiều kết quả quan trọng. Hoạt động đào tạo nghề được tổ chức linh hoạt, gắn kết chặt chẽ với tạo việc làm thông qua hỗ trợ vốn và mở rộng hợp tác với các đối tác để tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, Tuyên Quang đã tạo việc làm cho 213.389 người, trong đó tỷ lệ nữ được tạo việc làm hằng năm đều vượt trên 40%, gồm: lao động làm việc trong các ngành kinh tế tại tỉnh 150.851 người, lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố 58.065 người và xuất khẩu lao động 4.473 người.
Từ năm 2010 đến nay, riêng Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức đào tạo được 150 lớp dạy nghề với 5.250 học viên tham gia với các nghề mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản..., trong đó nữ nông dân được đào tạo chiếm trên 40%. Tổ chức 36.532 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật cho 1.826.600 lượt người tham gia, trong đó có trên 60% là phụ nữ. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp nông dân, đặc biệt là nữ giới thay đổi nhận thức canh tác theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương có lợi thế (chè, mía, cam, lạc, gỗ rừng trồng, trâu, cá đặc sản) và một số nông sản hàng hóa khác có hiệu quả kinh tế gắn với nhu cầu của thị trường, đề cao vai trò, sự tham gia của người phụ nữ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang còn triển khai hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh để giúp hội viên phụ nữ nghèo, có thu nhập thấp được vay vốn phát triển kinh tế. Duy trì gửi tiết kiệm mức tối thiểu 5.000 đồng/tháng/hội viên vay vốn đã được hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia với số tiền trên 18 tỷ đồng. Hỗ trợ 128 hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; vận động 1.200 chị tham gia tổ hợp tác, tổ liên kết, nhóm cùng sở thích tại địa phương; thành lập và duy trì 5 mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết có 140 hộ gia đình tham gia...
Đặc biệt, nhằm giúp phụ nữ vươn lên trong đời sống xã hội và gia đình, trong đó có phụ nữ là thanh niên, Tỉnh đoàn Tuyên Quang đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2012 - 2020. Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của tỉnh đến năm 2020, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, trường học tuyên truyền, tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, cung cấp thông tin về thị trường lao động, nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước, các ngành nghề đang cần tuyển dụng lao động, tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp việc làm, giúp đoàn viên, thanh niên lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực, trình độ của bản thân.
Có thể khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở Tuyên Quang đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho bản thân và gia đình. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn.
Chí Tâm
TAG: