Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
(LĐXH)- Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực cho tình nguyện viên tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người.
Thực hiện Quyết định số 521/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, trong năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm; phòng chống mua bán người. Đồng thời, tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội trong đó có phòng chống mua bán người. Qua đó, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người đạt hiệu quả.
Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng 14 chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người; phối hợp với lực lượng Công an các cấp và các ngành chức năng, các cơ quan đoàn thể tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các khu dân cư với 13 cuộc, thu hút 7.567 lượt người tham gia.
Quảng Ngãi thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và phòng, chống mua bán người tới người dân
Ngoài ra, các sở, ngành và hội, đoàn thể các cấp, cơ quan thông tin, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống mua bán người lồng ghép với chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, các sở, ngành trong tỉnh còn phối hợp với Văn phòng tổ chức ILO tại Việt Nam tổ chức 04 hội nghị tập huấn, triển khai tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thông tin cho người lao động hiểu rõ quy trình thủ tục bao gồm đăng ký, thi tiếng Hàn, tuyển chọn, hợp đồng, chi phí để đi làm việc trong ngành ngư nghiệp theo chương trình EPS Hàn Quốc. Thông qua hoạt động tham vấn, tìm hiểu quá trình tìm kiếm việc làm và tái hòa nhập cộng đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về và nhu cầu cần hỗ trợ. Cung cấp thông tin về điều kiện sống và làm việc tại Hàn Quốc, các quyền của người lao động khi làm việc trong ngành ngư nghiệp tại Hàn Quốc và các văn bản liên quan lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho hơn 370 lượt người cán bộ và người lao động tham gia.
Đối với công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, trong năm 2024, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi chưa tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trung tâm đã tổ chức nâng cấp trang thiết bị, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi bị mua bán trở về. Trao đổi kinh nghiệm, tham gia tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ khi có nạn nhân bị mua bán trở về và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ khi có nạn nhân bị mua bán trở về được các cơ quan chức năng bàn giao.
Đến nay, toàn tỉnh có 168 Đội Công tác xã hội tình nguyện, có trên 1.239 tình nguyện viên. Thông qua Đội tình nguyện tuyên truyền để cảnh giác các thủ đoạn của tội phạm mua bán người, đồng thời lồng ghép các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực được giao, trong năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi đã tập trung thực hiện hướng dẫn việc kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực cho tình nguyện viên tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người. Đồng thời, chủ trì phối hợp tổ chức 14 hội nghị tập huấn, tuyên truyền công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người, với hơn 1.680 lượt người tham gia.
Trong năm 2025, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân trong việc thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Đổi mới trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người đến các tầng lớp nhân dân thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở; chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bố trí, đảm bảo điều kiện cần thiết để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (khi có nạn nhân).
Chí Tâm
TAG: