Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hiệu quả các chính sách, dự án thuộc Chương trình. Từ đó tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Tỉnh đã phân bổ kịp thời nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo để thực hiện các dự án, tiểu dự án đúng quy định
UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động, trong đó quy định cụ thể nguyên tắc làm việc, nhiệm vụ quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo và từng thành viên.
Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, căn cứ nhiệm vụ được phân công, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định thành lập Tổ Công tác Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng thành lập Tổ Công tác thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, ban hành quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể của từng thành viên. Các xã, phường, thị trấn cơ bản đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo hoặc Ban Quản lý cấp xã kịp thời theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo tỉnh.
Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các chính sách về giảm nghèo được triển khai thực hiện toàn diện, đầy đủ, từ đó đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Bên cạnh các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình khác đã được lồng ghép nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Các dự án, tiểu dự án thực hiện nghiêm túc, đúng mục tiêu, đối tượng và không trùng lặp về nội dung.
Tỉnh đã phân bổ nguồn vốn kịp thời, sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu, không dàn trải; lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác; việc huy động, đóng góp của người dân được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân. Về tiến độ thực hiện, ngay từ năm đầu giai đoạn đã triển khai xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, qua đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2024, đời sống của nhân dân trong tỉnh nhìn chung vẫn còn khó khăn, đặc biệt là người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới Việt Lào, các xã có số đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã bãi ngang ven biển. Đối tượng hộ nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo không có khả năng lao động chiếm tỷ lệ cao; thiên tai dịch bệnh, bão, lũ lụt nghiêm trọng xẩy ra thường xuyên đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, việc làm và thu nhập của người dân cũng như hiệu quả thực hiện mô hình sinh kế trên địa bàn; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn cao so với các tỉnh trong khu vực; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn nhiều và chủ yếu rơi vào nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; công tác giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương còn khó khăn...
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình đề xuất tổng kinh phí dự kiến thực hiện các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030 là hơn 350,8 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương 315,7 tỷ đồng; ngân sách địa phương 35,1 tỷ đồng. Tỉnh tập trung thực hiện các dự án về: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
Về mục tiêu, nội dung, đối tượng áp dụng của từng dự án, tiểu dự án, tỉnh Quảng Bình đề xuất có thêm chính sách đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Đồng thời có thể mở rộng nhóm đối tượng tham gia dự án/mô hình phát triển sản xuất cộng đồng để phù hợp với từng vùng, khu vực khu dân cư, tạo sự tham gia đa dạng trong thực hiện dự án/mô hình (phù hợp với đặc điểm thực tế như: Người có sức lao động, người có vốn kinh doanh, người có kỹ thuật, tay nghề... để thu hút nhiều tầng lớp dân cư tham gia mô hình/dự án phát triển sản xuất).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục phân bổ nguồn vốn (có thể bố trí nguồn kinh phí ngay từ đầu của cả giai đoạn) để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình được chủ động, phù hợp với lộ trình mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu của từng năm để triển khai thực hiện đạt hiệu quả hơn./.
Hồng Phượng
TAG: