Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
10:42 AM 25/12/2024
(LĐXH) - Ngày 24/12/2024, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác trẻ em năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chủ trì hội nghị, cùng sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành như Bộ Công An, Viện kiểm sát, Hội đồng đội Trung ương. Hội nghị trực tuyến tại 63 điểm cầu thuộc các tỉnh/thành phố.
Đại diện các Bộ, ngành tham gia hội nghị trực tiếp tại Hà Nội

Báo cáo của Cục Trẻ em cho thấy, trong bối cảnh năm 2024, công tác bảo vệ và phát triển quyền trẻ em tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm sóc trẻ em dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Tết Trung thu, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão lũ năm 2024 cũng được chú trọng. Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, đã có 1.657 công trình được xây mới và nâng cấp; trên 2,2 triệu trẻ em được tặng quà với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng; trên 58 nghìn trẻ em được cấp học bổng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng; 28 nghìn trẻ em được khám chữa bệnh miễn phí tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em tại các địa phương là gần 369 tỷ đồng.

Hiện nay, ước tính dân số trẻ em là trên 25 triệu trẻ em (tỷ lệ trên 25,5% trên tổng dân số), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên 1,7 triệu trẻ em (tỷ lệ 6,7% trên tổng dân số trẻ em). Công tác phòng, chống xâm hại trẻ em có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Công an 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, quản lý và sử dụng mô hình Phòng điều tra thân thiện khi thụ lý các vụ án xâm hại trẻ em và các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng... Đặc biệt là tăng cường công tác đấu tranh, áp dụng biện pháp ngăn chặn truy cập từ trong nước đối với hơn 50.000 trang mạng đặt máy chủ tại nước ngoài có nội dung không phù hợp với trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em chủ trì chương trình

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc bổ sung căn cước công dân trên hệ thống phần mềm quản lý trẻ em tại cơ sở cho 16,6 triệu trẻ em từ 0-16 tuổi và 18,5 triệu trẻ em từ 0-18 tuổi. Hệ thống dữ liệu về trẻ em cũng đã được cập nhật, giúp theo dõi và quản lý thông tin về trẻ em trên toàn quốc. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu vững chắc cho các chính sách liên quan đến trẻ em trong tương lai.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam trong năm 2024 vận động được 115 tỷ đồng (đạt 104,5% kế hoạch năm 2024), ước tính hỗ trợ cho 118.000 lượt trẻ em (đạt 107,3% so với kế hoạch năm) với tổng kinh phí vận động hỗ trợ ước tính hơn 105 tỷ đồng.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành cũng được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền trẻ em. Các hoạt động kiểm tra, thanh tra đã được tổ chức để đảm bảo rằng các cơ sở chăm sóc trẻ em tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời xử lý kịp thời những đơn thư khiếu nại liên quan đến quyền lợi của trẻ em.

Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức đã nhận được 20 tham luận từ các tỉnh thành, địa phương và các cơ quan chức năng. Bộ Giáo dục và Đào tạo tham luận về Công tác tham mưu xây dựng luật pháp, chính sách liên quan đến đảm bảo giáo dục sớm cho trẻ những năm đầu đời tại cộng đồng và các cơ sở mầm non; Bộ Y tế với tham luận Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em trong tình hình mới… Bên cạnh ghi nhận, chia sẻ những kết quả đạt được của các ngành, trong quá trình phối kết hợp cùng nhau, đại diện các Bộ ngành cũng nêu bật nhiều vấn đề còn trăn trở, trẻ em vẫn đang bị nguy cơ xâm hại, bạo lực, đuối nước làm ảnh hưởng việc thực hiện các nhóm quyền trẻ em.

Đại diện Bộ Công an có tham luận tại hội nghị

“Phải quan tâm đến những vấn đề rất nhỏ để có thể chăm sóc, bảo vệ tốt nhất cho trẻ em” – đây là nhận định của Thượng tá Phạm Mai Hiên (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an).

Số liệu đại diện Bộ Công an cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc xảy ra 2.057 vụ, xâm hại 2.245 trẻ em. Lực lượng Công an đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của các loại tội phạm và có sự quyết liệt triển khai ở cơ sở, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ nên trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Tội phạm xâm hại trẻ em giảm 5,5%, đây là lần đầu tiên chúng ta đạt tiêu chí giảm số vụ xâm hại trẻ em tuy nhiên lại xảy ra các bạo hành trẻ em do người thân, người giúp việc, bảo mẫu thực hiện, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc dư luận...; xâm hại tình dục vẫn là hình thức xâm hại cao nhất, lưu ý trẻ em dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật: 5.228 vụ với 13.904 đối tượng, giảm 10% so với cùng kỳ 2023 nhưng tình hình diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, manh động.

Kết luận Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em cho biết: Năm 2025 là cột mốc quan trọng để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Mặc dù đạt nhiều tiến bộ, Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như già hóa dân số, bất bình đẳng, thiên tai, dịch bệnh, và các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em như xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích. Mục tiêu chính công tác trẻ em năm 2025 vẫn là xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, giảm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ bị xâm hại, các chỉ tiêu cơ bản: giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 6,5% và duy trì 65% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12