Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp trong chăm sóc người có công
03:19 PM 04/08/2020
Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp và đội ngũ cán bộ, y bác sỹ và người lao động luôn tận tâm, tận tình, Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM thực sự là một trong những nơi lý tưởng của Ngành LĐ-TB&XH nói chung và TP.HCM nói riêng trong thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, người có công với Cách mạng và người già neo đơn, không nơi nương tựa.

Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm thăm hỏi, động viên các cụ 

Môi trường xanh – sạch- đẹp

Nằm giữa trung tâm của một thành phố lớn nhất cả nước nhưng khi bước chân vào khuôn viên của Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè nằm ở số 153 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM chúng tôi không còn nghe tiếng còi xe hay sự ồn ào của phố thị. Nơi đây rất yên tĩnh và sạch đẹp với nhiều cây xanh, thảm cỏ, cây kiểng được chăm sóc, tỉa tót đẹp mắt. Đúng là một nơi an dưỡng, nghỉ ngơi lý tưởng mà chúng tôi cảm nhận được khi lần đầu đến đây.

Theo Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè Nguyễn Quốc Uy, hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng chăm sóc 52 đối tượng thuộc diện chính sách, người có công với Cách mạng (viết tắt các cụ) và 77 cụ cao tuổi có nhu cầu và khả năng đóng phí. “Cơ sở vật chất của Trung tâm được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang với khu văn phòng làm việc của Ban quản lý nằm ngay bên phải và khu nhà bếp nằm ngay bên trái của cổng chính đi vào khuôn viên, tạo được sự cách âm cho khu nuôi dưỡng các cụ được yên tĩnh hơn. Đi sâu vào trong là 15 căn nhà riêng biệt được xây dựng theo dạng kiến trúc biệt thự. Đặc thù thiết kế dành để nuôi dưỡng và chăm sóc các cụ nên mỗi căn biệt thự này đều có 10 phòng ngủ và 01 phòng khách. Mỗi phòng ngủ rộng khoảng 15m2 và có vệ sinh riêng. Tất cả các phòng ngủ, phòng khách của những căn biệt thự này đều có cửa sổ nhìn ra khu sân vườn sạch đẹp và thoáng mát. Để khuôn viên của Trung tâm luôn sạch đẹp và thoáng mát, không có muỗi và côn trùng Trung tâm đã thường xuyên quét rọn, bơm sịt thuốc diệt côn trùng, sát khuẩn, vệ sinh môi trường xung quanh, tuần hai lần. Cây xanh, thảm cỏ, cây kiểng tốt tươi do được chăm bón, cắt tỉa, thay thế, trồng mới thường xuyên, tạo không khí trong lành, xanh - sạch - đẹp - an toàn cho Trung tâm”: ông Nguyễn Quốc Uy chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc Uy, Giám đốc Trung tâm thăm hỏi, động viên các cụ 

Sau khi đi một vòng quanh khu biệt thự, ông Nguyễn Quốc Uy đưa chúng tôi sang thăm khu nhà bếp và phòng ăn của Trung tâm. Trên đường đi chúng tôi quan sát thấy nhiều nhóm các cụ ông, cụ bà ngồi ghế đá nói chuyện, đọc báo, đánh cờ và tập thể dục, tập Yoga dưỡng sinh dưới bóng cây xanh. Bắt chuyện, chúng tôi được cụ Nguyễn Diệp Hồng Hạnh (76 tuổi) chia sẻ: “Quê tôi ở tỉnh Nam Định, vào thiếu sinh quân và theo cách mạng từ năm 13 tuổi để học tập và đi đánh giặc. Bị thương, nhiễm chất độc màu da cam. Tôi được nhà nước ưu đãi cho vào ở Trung tâm cách đây đã hơn 17 năm. Ở đây tôi thấy rất vui, điều kiện sinh hoạt, ăn ở không thiếu thứ gì. Phòng ở được nhân viên của Trung tâm rọn rẹt sạch sẽ hằng ngày. Khi bị bệnh lại được bác sỹ, y tá, hộ lý cho thuốc uống và chăm sóc tận tình. Mới đây tôi bị bệnh nặng, huyết áp tụt quá thấp phải chuyển sang điều trị tại bệnh xá, tưởng là chết rồi. Khi đó, trực tiếp đồng chí Phó giám đốc Trung tâm, Ngô Thi Vân Anh đã xuống thăm. Thấy tôi bệnh nặng quá đồng chí đã ngủ lại với tôi hai đêm liền ở bệnh xá để động viên. Như có phép lạ, tôi khỏi bệnh và khỏe lại”.

Cùng ngồi nghe cụ Hạnh kể từ đầu câu chuyên, cụ Trần Thị Tuyến Vân (quê Cần Thơ) góp thêm: “Ở nhà với con cháu nhiều thế hệ phức tạp lắm. Khi mình thức thì chúng đi làm và đi học hết. Khi mình muốn ngủ thì chúng nó đi làm, đi học về quậy ầm ĩ không ngủ được, tôi đăng ký vào Trung tâm ở. Vào sống ở Trung tâm tôi thấy thích hơn ở nhà nhiều. Việc ăn ngủ, nghỉ điều độ, ốm đau có người thăm khám sức khỏe tại phòng. Bữa ăn được nhà bếp thay đổi thường xuyên, sáng thịt thì chiều cá và ngược lại. Sống ở Trung tâm đã hơn 6 năm rồi nhưng tôi chưa thấy tình trạng nào bị ngộ độc thức ăn”: cụ Tuyến Vân chia sẻ.  Hỏi chuyện thêm một số cụ khác, các cụ đều tâm niệm rằng, Trung tâm chính là mái ấm gia đình thân thiết của mình. Đặc biệt, điều khiến các cụ cảm thấy thật ấm lòng, đó là tình cảm, sự tận tâm, tận tình chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các cụ của các cán bộ, công chức viên chức và y bác sỹ của Trung tâm đối với mình như người thân.

Công tác phục dưỡng, chăm sóc đảm bảo – an toàn

Lãnh đạo Trung tâm thường xuyên kiểm tra bếp ăn hàng ngày tại trung tâm

Ông Nguyễn Quốc Uy cho biết, thực phẩm phục vụ bữa ăn cho các cụ và an dưỡng viên của Trung tâm phải có nguồn gốc và hạn sử dụng rõ ràng. Từ khâu sơ chế, đến khâu chế biến, chia ra các phần ăn cho các cụ đều được thực hiện đúng quy định, bảo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành y tế. Hằng ngày thực hiện nghiêm chế độ lưu mẫu thực phẩm, có sổ theo dõi sự hướng dẫn của Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố. “Nhà bếp thường xuyên tổ chức ăn tươi (bún chả giò, cháo gà, ragu, súp…) vào thứ năm hằng tuần. Mục đích, giúp các cụ ăn ngon miệng và tạo tinh thần thoải mái để các cụ sớm phục hồi lại sức khỏe. Bên cạnh đó, bộ phận bếp thường xuyên phối hợp với bộ phận y tế nắm thông tin về tình hình sức khỏe của các cụ nhằm kịp thời thay đổi chế độ ăn cho phù hợp. Đồng thời, Nhà bếp của Trung tâm còn có chế độ ăn riêng, chế độ tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng vào bữa ăn chính cho các cụ bị bệnh. Mới đây các cụ bị bệnh nặng được tăng cường cho ăn thêm tổ yến hấp”: Chị Nguyễn Như Bích Huyền – Bếp trưởng của Trung tâm cho biết thêm.

Chị Nguyễn Như Bích Huyền chuẩn bị mang tổ yến đã hấp để chuyển đến các cụ bị bệnh nặng

Về công tác chăm sóc sức khỏe y tế ông Nguyễn Quốc Uy chia sẻ, ngoài việc thường xuyên duy trì lịch khám bệnh, đo huyết áp và chăm sóc điều trị tại chỗ cho các cụ cán bộ Trung tâm còn thực hiện chế độ hướng dẫn các cụ tập vận động, tập vật lý trị liệu, tắm nắng, tập Yoga. Cụ nào bị bệnh được Trung tâm đưa tới điều trị kịp thời tại bệnh xá. Trung tâm có một bệnh xá với 30 giường bệnh có bác sỹ, y tá và hộ lý ngày đêm túc trực chăm sóc bệnh nhân. Những năm gần đây Trung tâm đã phối hợp với Bệnh viện Nguyễn Trãi để khám bệnh hằng tháng cho các cụ. Đối với các trường hợp được bác sỹ chỉ định khám chuyên khoa, phòng Y tế sẽ cử điều dưỡng đưa các cụ đi khám và lãnh thuốc điều trị theo bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. Khi ốm đau các cụ được chăm sóc ban đầu tại Trung tâm, khi bệnh diễn biến nặng hơn các cụ được chuyển tuyến đến Bệnh viện Nguyễn Trãi điều trị kịp thời, và phân công nhân viên chăm sóc các cụ nằm viện. Trong năm 2019, Trung tâm đã khám và điều trị ngoại trú 3.198 lượt cụ, khám và điều trị nội trú 292 lượt cụ; Phối hợp với Bệnh viện Nguyễn Trãi đến khám và điều trị tuyến trên cho 575 lượt cụ; chuyển viện cấp cứu 46 lượt cụ, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi 92 lượt cụ. Trong 06 tháng đầu năm 2020, khám và điều trị ngoại trú 1.595 lượt cụ, khám và điều trị nội trú 96 lượt cụ; Phối hợp với Bệnh viện Nguyễn Trãi đến khám và điều trị tuyến trên 276 lượt cụ, chuyển viện cấp cứu 26 lượt cụ, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Trãi 32 lượt cụ.

Các cụ thường xuyên tập thể dục dưỡng sức khỏe tại Trung tâm vào các buổi sáng sớm

Theo ông Nguyễn Quốc Uy, những năm qua Trung tâm đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc phụng dưỡng các đối tượng chính sách, người có công. Các cụ ăn ngủ, nghỉ ổn định sức khoẻ được nâng lên. Tuy nhiên, có cụ tuổi cao, thêm nhiều bệnh lý nền nên công tác quản lý, chăm sóc của Trung tâm gặp nhiều khó khăn. Nhiều cụ nằm ở bệnh xá lâu ngày, chị em hộ lý phải chăm sóc, bón ăn và làm vệ sinh 24/24 giờ/ngày rất vất vả. Trong khi đó, lương của nhân viên hộ lý lại quá thấp, mặc dù đã được thành phố hỗ trợ thêm cho mỗi hộ lý không có bằng cấp 1.800.000/tháng, người có bằng cấp là 2.400.000 - 3.600.000 đồng/người/tháng. Vất vả quá, nhiều người mới vào làm việc được vài tuần lại bỏ đi. Chỉ người nào có tâm lắm mới trụ và làm việc được lâu dài. Trung tâm còn khó khăn nữa là hệ thống thoát nước xuống cấp dẫn tới việc mưa lớn kết hợp với triều cường, khuôn viên bị ngập úng nặng. “Vấn đề ngập úng của Trung tâm, Sở LĐ-TB&XH và UBND TP đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết. Tuy nhiên, mùa mưa đã đến mà dự án vẫn chưa thấy triển khai. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm hỗ trợ nâng cấp hệ thống thoát nước và cốt nền khuôn viên Trung tâm để không còn cảnh bị ngập úng; Đảm bảo môi trường luôn trong lành, xanh- sạch- đẹp, an toàn sức khỏe và sinh hoạt chung cho các đối tượng chính sách và an dưỡng viên”: ông Nguyễn Quốc Uy kiến nghị.

Đăng Hải 

TAG:
Tin khác
Phép màu dành cho chàng lính cứu hỏa nhường mặt nạ phòng độc cho bé gái
Những bộ phận cần kiểm tra trước khi lái ô tô về quê ăn Tết
Hương vị Tết: Khách du lịch hào hứng trải nghiệm gói bánh chưng
Đường dây lừa đảo xuyên quốc gia chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng nhờ bẫy 'cập nhật thông tin'
‘Thủ Phủ’ hàng mã miền Bắc ảm đạm trong mùa cao điểm Tết
5 món đồ công nghệ nên mang theo khi đi chơi Tết
Chen chúc 'săn sale' quần áo Tết tới tận nửa đêm
Bến xe Mỹ Đình chật kín, hành khách phải đợi gần nửa ngày mới được về quê
CSGT Hà Nội bác thông tin giữ xe của người chở bệnh nhân đi cấp cứu