Sốt ruột vì hàng tồn
Bên cạnh tranh dân gian Đông Hồ, Phường Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) còn nổi tiếng với nghề làm vàng mã lâu năm. Khoảng hơn 90% trong tổng số 1.400 hộ dân tại đây làm nghề này, tạo nên nguồn thu nhập chính cho bà con địa phương.
Các sản phẩm vàng mã ở đây rất đa dạng từ nhà lầu, xe hơi, xe máy, điện thoại thông minh, quần áo, tiền vàng hay nhiều vật phẩm khác như mỹ phẩm, đồ chơi, đồ gia dụng... đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và văn hóa của người dân trong các ngày giỗ, ngày rằm, lễ Vu Lan, ông Công ông Táo…
Gia đình chị Phạm Thị Hương (Đạo Tú- Song Hồ) gắn bó với làng nghề gần 20 năm. Thời điểm đắt hàng, nghề không chỉ giúp có thêm thu nhập cho gia đình, đồng thời còn tạo việc làm cho nhiều người dân trong khu vực.
Những năm trước, vào mùa cao điểm người dân tại đây làm hàng thâu đêm không kịp bán, nhất là những ngày giáp Tết hoặc những ngày tuần, rằm... Có hộ phải tìm thêm 3-5 nhân công bổ sung mới kịp hàng giao cho khách. Thông thường, mùa Tết là thời điểm có sản lượng bán ra cao nhất trong năm, song vài năm gần đây làng nghề phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là sau dịch COVID-19.
Theo chị Hương, hiện tại, dù đã cận tết nhưng sản lượng vàng mã bán ra rất chậm, giảm khoảng 40-50% so với những năm trước đó. Doanh thu trung bình mỗi tháng của gia đình chị giảm mạnh. Nếu vài năm trước, tháng cao điểm nhà chị thu 15-20tr/ tháng và 7-10tr với tháng thấp điểm, nhưng hiện tại doanh thu của gia đình chỉ dao động 7-10tr/ tháng.
“Có những hôm cứ ngồi mãi mà chẳng thấy khách gọi lấy hàng, sốt hết cả ruột. Sau dần cũng thành quen, tình hình kinh tế khó khăn chung, mình cũng phải chịu thôi”, chị Hương ngán ngẩm.
Cửa hàng vàng mã của chị Nguyễn Thị Hiền (Đồng Đông - Đại Đồng Thành) cũng không ngoại lệ. Những năm trước khi chạy hàng, có ngày nhà chị xuất đi khoảng 1.000 bộ khắp các tỉnh thành cả nước. Hiện tại lượng sản phẩm bán ra chỉ từ 300-400 bộ/ngày. Trung bình một bộ ông Công ông Táo thành phẩm bán ra có giá dao động từ 50-120 nghìn đồng tùy loại.
“Riêng loại hàng này là phải làm trước, nên trước mùa cao điểm nhà tôi hay chuẩn bị sẵn số lượng lớn hàng, mà giờ bán chậm hơn nên thành ra hàng bị tồn nhiều”, chị Hiền cho hay.
Vàng mã qua thời hoàng kim
Sức mua giảm, phải cạnh tranh cao với các làng nghề sản xuất vàng mã khác nên các hộ sản xuất vàng mã ở Song Hồ giờ không đầu tư lớn, không thuê nhiều nhân công do các đơn hàng lớn không nhiều.
Do tính cạnh tranh từ nhiều nơi, tình hình kinh tế biến động và sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. Hiện nay nhiều hộ bắt đầu hạn chế đốt vàng mã để bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi tiêu. Ngày càng nhiều người lựa chọn làm lễ cúng theo hướng tiết kiệm và ít tốn kém hơn, họ chỉ mua những vật phẩm đơn giản như giấy tiền nến, hương... thay vì chọn các mẫu vàng cầu kỳ đắt tiền.
Khoảng 3-4 năm nay, gia đình chị Mai Thị Phấn (Phường Hồ - Thuận Thành) đã hạn chế đốt vàng mã hơn. Theo chị Phấn, quan trọng nhất vẫn là lòng thành, không nhất thiết phải đốt nhiều vàng mã vừa giữ được ý nghĩa tâm linh mà tránh lãng phí.
Chị Phấn chia sẻ: “Đốt hàng mã giống như gửi gắm tình cảm và lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên. Chủ yếu mang ý nghĩa tượng trưng, quan trọng là thể hiện lòng thành, chứ không phải đốt nhiều hay ít. Các sản phẩm hàng mã bây giờ đa dạng, nhiều mẫu mã đẹp nhưng có một số loại đắt quá mức cần thiết. Nếu làm từ chất liệu thân thiện với môi trường sẽ tốt hơn vì đốt vàng mã rất ô nhiễm, dễ xảy ra cháy nổ”.
Tập tục đốt giấy tiền vàng mã hiện nay cũng đang dần thay đổi tại các điểm thờ tự, đền, chùa... Thay vì những mâm lễ đầy ắp vàng mã và khói hương nghi ngút, nhiều người dân·lựa chọn các hình thức cúng bái văn minh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường hơn.
Nắm bắt được xu hướng thị trường, một số hộ sản xuất vàng mã bắt đầu cải tiến sản phẩm với thiết kế tinh gọn hơn, kích thước giảm, nguyên liệu giảm tránh gây lãng phí. Một số gia đình kết hợp rao bán sản phẩm của mình trên các nền tảng số như Facebook, TikTok... để mở rộng thị trường, tăng thêm doanh thu trước tình hình hiện tại.
Nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất, chính quyền phường Song Hồ đã triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy, thành lập 16 tổ liên gia tự quản và yêu cầu các hộ gia đình trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy chữa cháy. Hộ nào không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ bị lập biên bản nhắc nhở và xử lý kịp thời.
Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê trong năm 2016, người Việt đã chi ra khoảng 16.000 tỷ đồng cho việc cúng lễ, đốt vàng mã- gấp khoảng 8 lần việc chi cho việc mua sách, truyện và đồ chơi trẻ em... Con số khảo sát trên có thể chưa hoàn toàn phản ánh đầy đủ, nhưng phần nào cho thấy người dân sẵn sàng chi ra một khoản tiền không hề nhỏ vào việc đốt vàng mã trong các dịp lễ.
Năm 2017, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng mã như Công ty Cổ phần Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái, Công ty Cổ phần Hàng Kênh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hapaco đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng từ mặt hàng này. Cụ thể, CAP thu về 168 tỷ đồng từ vàng mã, chiếm 62% tổng doanh thu; Hàng Kênh đạt 56,2 tỷ đồng từ xuất khẩu giấy đế. Năm 2022, CAP đạt doanh thu kỷ lục hơn 99 tỷ đồng từ giấy vàng mã, trung bình thu về hơn 8 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, năm 2023, doanh thu từ mảng này giảm hơn 60%, chỉ còn gần 39 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Kiều Trang