Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh: Địa chỉ tin cậy của người lao động và doanh nghiệp
(LĐXH) - Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh trả quyết định trợ cấp thất nghiệp cho lao động
Ông Phạm Ngọc Khánh – Giám đốc Trung tâm cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Trung tâm đã thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc, đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức Sàn giao dịch việc làm; Phối hợp với đài phát thanh các huyện, thành phố tuyên truyền về lao động, việc làm; Tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm, hội thảo trực tiếp với người lao động tại các địa phương; Cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng… Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối đầu ra cho lao động sau đào tạo; Tích cực liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động địa phương. Qua đó, đã giúp người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện Trung tâm duy trì đều đặn hoạt động định kỳ hằng tháng của 4 Sàn giao dịch việc làm tại các thành phố Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả và Uông Bí, với tần suất 5 phiên/tháng, có kết nối online. Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 55 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 04 phiên giao dịch việc làm online kết nối với các tỉnh khu vực phía Bắc và 04 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà và Hoành Bồ thu hút hơn 900 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Qua đó, đã tư vấn việc làm cho 16.198 lượt lao động; Tiếp nhận đăng ký tuyển dụng lao động của 1.112 đơn vị với tổng số 46.489 vị trí việc làm; Giới thiệu việc làm cho 983 đơn vị với 7.565 vị trí việc làm. Trong đó, có 3.603 lượt lao động đáp ứng được yêu cầu của vòng sơ tuyển; Tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 7.000 lượt thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư; Tổ chức nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp tại 6 trường THPT cho 2.100 học sinh.
Công tác thông tin thị trường lao động được chú trọng. Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai công tác điều tra cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động để phục vụ hoạt động sàn giao dịch việc làm và đăng tải thông tin lên trang Web, trang Facebook của đơn vị, giúp doanh nghiệp và người lao động thuận tiện truy cập và tra cứu thông tin về thị trường lao động. Năm 2018, Trung tâm đã nâng cấp, bổ sung 16 tính năng của trang web: vlquangninh.vieclamvietnam.gov.vn và thực hiện đăng tải 82 bản tin hoạt động của Trung tâm và đăng thông tin tuyển dụng cho 933 doanh nghiệp. Nét mới trong công tác điều tra cung – cầu năm 2018 là tập trung điều tra toàn diện phần cung lao động tại 3 thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí; phân quyền quản lý và kết xuất dữ liệu phần cung lao động cho cấp xã sau khi hoàn thành việc nhập tin.
Bên cạnh đó, xác định đào tạo nghề phải gắn liền với giải quyết việc làm, Trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhằm cung cấp cho thị trường lao động lực lượng lao động có tay nghề, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt là coi trọng việc đào tạo nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong năm 2018, Trung tâm đã ký kết hợp tác với 3 trường Cao đẳng nghề trên địa bàn để chia sẻ năng lực đào tạo, phối hợp trong tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu học nghề cho lao động thất nghiệp; Chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Hội phụ nữ tỉnh triển khai mô hình bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp cho đối tượng là phụ nữ tại huyện Hoành Bồ; Triển khai tổ chức đào tạo 06 lớp bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp cho thanh niên, phụ nữ thuộc địa bàn thành phố Cẩm Phả, Uông Bí và thị xã Đông Triều; 7 lớp đào tạo sơ cấp cho lao động nông thôn với 224 học viên; 7 lớp khởi sự doanh nghiệp, Quản trị doanh nghiệp cho 270 học viên; 7 lớp đào tạo kỹ năng làm việc, tìm kiếm việc làm cho 490 học viên; 4 lớp huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho 200 học viên...
Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định. Để triển khai tốt và hiệu quả chính sách này, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyên truyền chính sách BHTN theo Luật Việc làm, Nghị định 28, Thông tư 28 năm 2018 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung tuyên truyền đa dạng như: In tờ rơi gửi các đơn vị, doanh nghiệp, trường học, trường nghề; Tuyên truyền trên Báo Quảng Ninh, Đài Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh, truyền hình các huyện, thành phố về thực hiện chính sách BHTN; Tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các điểm tiếp nhận hồ sơ BHTN tại các Trung tâm Hành chính công các huyện, thị xã, thành phố; Thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến và đối thoại pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội với Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh… Điểm nhấn và nổi bật trong công tác BHTN năm 2018 là Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng quy trình thực hiện cung cấp dịch vụ việc làm của Trung tâm theo Công văn số 671/CVL-TTLĐ của Cục Việc làm về “chuẩn hóa mô hình tổ chức, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm”. Đây là quy trình mới nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tư vấn – giới thiệu việc làm – thực hiện chính sách BHTN – cung cấp thông tin về thị trường lao động, tạo thuận lợi cho người lao động thất nghiệp cũng như người sử dụng lao động. Quy trình thực hiện từ tháng 6/2018 và đã đạt được kết quả nhất định, các chỉ tiêu về tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Bộ phận giải quyết chính sách BHTN tại các Trung tâm Hành chính công được đánh giá tốt về tinh thần phục vụ và trách nhiệm trong công việc, không có hồ sơ giải quyết bị quá hạn, báo đỏ trên hệ thống phần mềm chính quyền điện tử. Trong năm 2018, toàn tỉnh có 7.410 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN; 7.280 người có quyết định hưởng BHTN; 351 người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề; 7.410 người thất nghiệp được tư vấn hỗ trợ việc làm; 1.003 người được giới thiệu việc làm. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.760 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN; 1.521 người có quyết định hưởng BHTN; Hơn 6.000 người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm; 136 người được hỗ trợ học nghề...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động của Trung tâm cũng gặp một số khó khăn như: Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm còn hạn chế do nguồn lao động chưa đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp; Công tác tuyên truyền hoạt động sàn giao dịch việc làm chưa được UBND xã, phường triển khai thường xuyên và rộng rãi tới người lao động, ảnh hưởng đến chất lượng của các phiên giao dịch việc làm; Việc tuyển sinh đào tạo các lớp nghề cho lao động nông thôn ngày càng gặp khó khăn do nhận thức của người dân còn hạn chế, các đối tượng đã được học theo chương trình nhiều, trùng đối tượng. Bên cạnh đó, công tác thực hiện chính sách BHTN còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã có việc làm nhưng không thông báo với Trung tâm và đóng nối tiếp BHXH-BHTN. Sau khi có công văn của cơ quan BHXH về việc đóng trùng, cán bộ các đại diện đã liên hệ với người lao động tuy nhiên một số người lao động không hợp tác, có những trường hợp lập biên bản rồi nhưng không đến làm thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, cá biệt có trường hợp nói bỏ luôn sổ BHXH.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là người lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động, việc làm. Tích cực khai thác thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ninh phấn đấu hết năm 2019, tổ chức được 55 phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm cho 12.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 7.500 lượt người, cung ứng lao động cho 300 lượt người, đào tạo nghề cho 760 người…/.
Nguyễn Thị Hiền
TAG: