An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động
03:58 PM 04/03/2021
(LĐXH) Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng của bảo hộ lao động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, ngăn ngừa tai nạn, cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm của mỗi người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể liên quan khác trong quan hệ lao động để bảo đảm ATVSLĐ. Do tính chất đặc thù của “cho thuê lại lao động”, cả “doanh nghiệp cho thuê lại lao động” và “bên thuê lại lao động” đều có vai trò là “người sử dụng lao động”, vì vậy cần phải xác định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể này về vấn đề ATVSLĐ đối với “người lao động thuê lại”.
1.Tính chất của cho thuê lại lao động
Để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, các thỏa thuận về cho thuê lại lao động (còn được gọi là lao động phái cử, lao động thuê ngoài, lao động tạm thời, lao động dịch vụ v.v..) ngày càng gia tăng ở các nước trong đó có Việt Nam. Vì mục đích cạnh tranh, người sử dụng lao động có xu hướng lựa chọn các thỏa thuận việc làm tạm thời để tăng tính hiệu quả, linh hoạt. Đối với cả người lao động và người sử dụng lao động thì đây là một hình thức lao động phù hợp với biến đổi của thị trường, và nhìn chung đem lại lợi ích cho các bên. Tuy nhiên, người lao động làm việc theo thỏa thuận tạm thời được đảm bảo các chế độ lao động thấp hơn và dễ bị vi phạm hơn so với người lao động làm việc thường xuyên hoặc lâu dài. Mối quan hệ ba bên giữa người lao động của một doanh nghiệp (người cung ứng) với bên thứ ba (bên sử dụng) mà người sử dụng lao động của mình cung ứng lao động tạo ra nhiều khó khăn cho việc xác định phạm vi nghĩa vụ, trách nhiệm của người cung ứng lao động và bên sử dụng dịch vụ lao động. Hoạt động này có xu hướng là cho thuê lao động có tính thời vụ hoặc công việc cần trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho công nhân
Các quốc gia trong đó có Việt Nam đang rà soát và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho quan hệ thuê lại lao động với những nguyên tắc đan xen về hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ. Lần đầu tiên pháp luật lao động Việt Nam chính thức đưa vấn đề cho thuê lại lao động vào Bộ luật Lao động năm 2012 (trước đó các hoạt động dịch vụ việc làm đã được quy định tại Điều 18 Bộ luật Lao động năm 1994 bao gồm: tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và giúp tuyển lao động; thu thập, cung ứng thông tin về thị trường lao động v.v…). Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động”. Hoạt động này có nghĩa là những người lao động đã được tuyển dụng bởi một doanh nghiệp (bằng hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp đó), được bên khác thuê lại trong một thời gian nhất định thông qua hợp đồng cho thuê lại lao động giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động. Trong thời gian làm việc tại bên thuê lại lao động, người lao động thuê lại chịu sự quản lý, điều hành của bên thuê lại lao động, nhưng quan hệ lao động (hợp đồng lao động) vẫn được duy trì với doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Điều này có nghĩa những quyền lợi cơ bản của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội v.v...) được doanh nghiệp cho thuê lao động bảo đảm theo hợp đồng lao động đã giao kết giữa hai bên và theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người lao động phải được đảm bảo các điểu kiện làm việc và hưởng phúc lợi như những người lao động chính thức của bên thuê lại lao động.
 Theo quy định của pháp luật hiện hành (Mục 5 Chương 3 Bộ luật lao động 2019 và Chương 4 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động), cho thuê lại lao động có những đặc điểm pháp lý như sau:
Thuê lại lao động được thiết lập trên cơ sở “hợp đồng lao động” và “hợp đồng cho thuê lại lao động” bởi ba chủ thể “Doanh nghiệp cho thuê lại lao động”; “Bên thuê lại lao động” và “Người lao động thuê lại”. Hợp đồng lao động được thiết lập giữa Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người lao động thuê lại và hợp đồng cho thuê lại lao động là hợp đồng dịch vụ đặc biệt được thiết lập giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động.
Quyền lợi cơ bản của người lao động thuê lại vẫn do doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện và đảm bảo (doanh nghiệp cho thuê lại lao động là người sử dụng lao động thứ nhất). Trong thời gian làm việc ở bên thuê lại lao động (người sử dụng lao động thứ hai), người lao động thuê lại phải chịu sự quản lý, giám sát và điều hành của Bên thuê lại lao động và bên thuê lại lao động cũng bảo đảm một số quyền lợi cho người lao động. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động đều được xác định là “người sử dụng lao động” vì vậy có tính chất đồng trách nhiệm (quyền, nghĩa vụ) của người sử dụng lao động.
Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện đối với một số công việc nhất định. Theo đó, những doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động thì mới được tiến hành hoạt động này. Khi cho thuê lại lao động thì các bên phải tuân thủ các nguyên tắc, điều kiện lao động: loại công việc, thời gian thuê lại, trường hợp được thuê lại v.v…
Quyền, nghĩa vụ lao động của các chủ thể trong cho thuê lại lao động được thực hiện theo quy định chung của pháp luật lao động, ngoài ra có những quyền và nghĩa vụ được thiết lập và phải thực hiện trong cho thuê lại lao động
2 Trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động” (Khoản 2 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015). Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động” (Khoản 3 Điều 3 Luật ATVSLĐ năm 2015). Như vậy trách nhiệm về ATVSLĐ là nghĩa vụ, bổn phận, bao gồm cả quyền trong việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong và giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe đối với con người trong quá trình lao động và nếu không thực hiện, thực hiện không đúng và đầy đủ thì chủ thể có trách nhiệm sẽ phải gánh chịu chế tài.
Nhà nước đã ban hành Luật ATVSLĐ năm 2015 và các văn bản hướng dẫn quy định trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức cá nhân liên quan (VD: cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện v.v…) về ATVSLĐ. Cùng với quy định chung, trong thuê lại lao động có xác định trách nhiệm của người lao động thuê lại, doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động về ATVSLĐ.
Người lao động bao gồm cả người lao động thuê lại phải có trách nhiệm đối với vấn đề ATVSLĐ khi thực hiện hoạt động lao động (Điều 6 Luật ATVSLĐ  năm 2015). Người lao động thuê lại phải tuân thủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ của bên thuê lại lao động (Khoản 3 Điều 65 Luật ATVSLĐ năm 2015)
Trong quan hệ thuê lại lao động vì cả doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động đều có vai trò là người sử dụng lao động, vì vậy cả hai chủ thể này đều phải thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động về ATVSLĐ theo quy định tại Điều 7 Luật ATVSLĐ năm 2015. Ngoài ra, có những vấn đề mà pháp luật quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể và có những vấn đề mà hai chủ thể này bắt buộc phải đồng trách nhiệm với người lao động thuê lại. Pháp luật cũng trao quyền để doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động có thể tự thỏa thuận, tự xác định trách nhiệm về ATVSLĐ trong thuê lại lao động. Tuy nhiên trong trường hợp các bên không có cam kết, thỏa thuận hoặc bên thuê lại lao động không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không đúng trách nhiệm của mình thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động vẫn phải là chủ thể phải thực hiện các trách nhiệm của người sử dụng lao động về ATVSLĐ đối với người lao động thuê lại.
Luật ATVSLĐ năm 2015 phân định trách nhiệm về ATVSLĐ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động khi sử dụng lao động thuê lại như sau:
- Doanh nghiệp cho thuê lại lao động thực hiện trách nhiệm về ATVSLĐ quy định tại Khoản 1 Điều 65 Luật ATVSLĐ năm 2015 (hướng dẫn tại Điều 30, 31 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ)
-  Bên thuê lại lao động thực hiện trách nhiệm về ATVSLĐ theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật ATVSLĐ năm 2015 (hướng dẫn tại Điều 32 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ).
Doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động vi phạm trách nhiệm về ATVSLĐ sẽ bị xử lý theo quy định chung. Tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định pháp luật (Khoản 1 Điều 90 Luật ATVSLĐ năm 2015). Xử lý hành chính các hành vi vi phạm về ATVSLĐ (VD: vi phạm báo cáo công tác ATVSLĐ, vi phạm các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ v.v…) thực hiện theo quy định của Nghị định 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (từ Điều 19 đến Điều 26).
3.Kết luận
An toàn, vệ sinh lao động là yêu cầu tất yếu khách quan để bảo vệ người lao động. Việc xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động góp phần đảm bảo điều kiện lao động tối ưu cho người lao động thuê lại. Các thỏa thuận trách nhiệm được xác lập, thực hiện nghiêm ngặt còn giúp các bên ngăn ngừa, hạn chế hậu quả. Tuy nhiên, cho thuê lại lao động còn thường liên quan đến những lĩnh vực hoặc công việc đặc thù. Trong danh mục 20 công việc cho thuê lại lao động (Phụ lục II Nghị định 145/2020/NĐ-CP) có một số công việc được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành (Ví dụ: Lái tàu bay, Phục vụ trên giàn khoan dầu khí, phục vụ tàu biển). Vì vậy, xác định trách nhiệm về ATVSLĐ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động cần phải áp dụng cả những quy định theo yêu cầu đặc biệt của những ngành, nghề này.
                                                                                                                                                                                                                                                                                                TS. Nguyễn Thu Ba 
                                                                                                                                                                                                                                                               Khoa Luật – Trường Đại học kinh tế quốc dân
         
TAG:
Tin khác
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
Một số định hướng cho việc làm bền vững ở Kiên Giang